Thú chơi tao nhã của người Hà Nội trong “mùa xuân Covid”
Bài 5: Tinh thần thời đại của người Hà Nội |
Năm nào cũng vậy, cứ cữ này hàng năm, người người lại đổ lên mạn Quảng Bá, Tây Hồ để ngắm nghía và chọn mua những cành hoa lê. Mùa đào đi qua, sắc hồng đã phai. “Ngày xuân con én đưa thoi / Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi / Cỏ non xanh tận chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”, những câu thơ ấy ai ai cũng thuộc lòng từ tấm bé.
Vài năm trở lại đây, đời sống khá lên, phương tiện vận chuyển nhiều, khoảng cách miền xuôi, miền núi như rút ngắn lại. Cảnh đẹp mùa xuân ấy không chỉ có trong những câu Kiều của Nguyễn Du nữa mà đã thực sự đi vào đời sống. Chơi hoa lê không chỉ là mốt mà còn là một cách thưởng xuân hết sức tao nhã, đặc biệt với những gia đình có điều kiện, không gian phòng khách hoặc sân vườn lớn.
Sắc hoa lê trắng tinh khôi khiến người Hà Nội mê đắm |
Người Hà Nội xưa nay vẫn có tiếng là biết thưởng thức cái hay, cái đẹp. Hoa lê cũng là một trong những “phát hiện” hết sức tao nhã, tinh tế. Không giống như hoa đào trưng vào dịp Tết cho đúng không khí cổ truyền, nhanh tàn, hoa lê để được vài tháng. Những người mê loài hoa trắng tinh khôi này cho biết, cứ mua vào dịp này, một cành hoa lê có thể để trong nhà, nở hoa đến tận rằm tháng tư có khi mới là lúc tận hiến.
Chị Thu nhà ở quận Long Biên do có phòng khách rộng, trang trí hiện đại, sang trọng, nhiều khách lui tới nên mấy năm gần đây chị đều phải lựa chọn bằng được một cành lê ưng ý để trưng. Năm nay dịch bệnh, người dân rất có ý thức tuân thủ, không đến chúc Tết nhà nhau nhiều nhưng không vì thế mà chị bỏ đi thú vui này.
“Mình hạn chế ra ngoài, mọi công việc giải quyết qua mạng internet và điện thoại, bên cạnh đó còn phải trông nom các con học online nên càng phải sắp xếp, trang hoàng cho không gian ngôi nhà có nhiều sức sống, đẹp mắt để giảm bớt sự căng thẳng, tù túng”, chị Thu cho biết. Chính bởi thế, năm nay nhà chị Thu mạnh tay chi tiền mua hoa lê hơn.
“Cứ lên Quảng Bá, lê có giá từ vài trăm cho đến chục triệu đồng một cành. Mình chỉ mua cành gần chục triệu đồng thôi nhưng thấy cũng bõ vì hoa chơi được lâu lại đẹp. Sáng sáng ra nhìn phòng khách sáng bừng màu trắng tinh khôi của hoa lê, thấy yêu đời hơn hẳn. Chồng và các con mình cũng rất thích, thấy yêu và gắn bó ngôi nhà hơn”, chị Thu tâm sự.
Nhiều người cho biết, hoa lê năm nay giá cũng tương đương năm ngoái. Có lẽ dịch bệnh ảnh hưởng nhiều đến kinh tế nên hàng hoa không tăng giá để vừa bán được hàng vừa giữ chân được khách quen, đồng thời cũng mang đến một mùa hoa nữa cho Hà Nội.
Trong khi đó, với những người ít có điều kiện hơn, lại thích cắm hoa, thay hoa theo ngày, theo tuần thì cũng có rất nhiều lựa chọn khác nhau. Cùng “hoàn cảnh” làm việc tại nhà để trông con trong thời gian dịch bệnh Covid-19 như chị Thu, chị Loan ở Hà Đông, Hà Nội nghĩ ra cách “giết thời gian” bằng việc cắm hoa.
Những bình hoa chị Loan cắm để tạo sự mới mẻ trong ngôi nhà mỗi ngày |
Khắp mấy tầng nhà, ngày ngày chị Loan bỏ thời gian, công sức ra cắm các loại hoa ở các loại lọ, bình khác nhau. Vốn là người yêu thích hoa nên từ lâu chị Loan đã tích trữ các loại lọ khác nhau, nay mang ra sử dụng, thay đổi cách kết hợp để tạo nên sự mới mẻ.
“Năm nay tuyết mai, thanh liễu, mao lương… không còn là mốt nữa nhưng vẫn có sức hấp dẫn. Mỗi hôm mình cắm một loại, thử các kiểu dáng khác nhau. Không biết cánh đàn ông thế nào chứ mình ở nhà mà không có việc gì để làm thì sẽ buồn bực lắm, nên phải tự tìm những niềm vui”. Nghĩ vậy nên chị Loan luôn làm mới không gian của mình bằng những lọ hoa.
Không phải mua mới các loại hoa theo từng ngày tránh lãng phí, chị kết hợp, đảo qua đảo lại giữa các lọ, giữa các tầng, thế là ngày nào cũng có một cái gì đó mới mẻ trong nhà. Chị nói: “Mùa xuân là mùa của các loại hoa. Tất nhiên, ai cũng thích ngắm hoa trong vườn, hoa ngoài phố hơn nhưng vì để hạn chế tiếp xúc, tránh đi lại nhiều thì thưởng thức hoa trong nhà cũng là một cách để chơi xuân”.
Biến không gian ngôi nhà chật hẹp trở thành mới mẻ mỗi ngày, đó cũng là một cách để chị Loan và mọi người trong gia đình vực dậy tinh thần, giảm bớt buồn chán, yên tâm ở một chỗ chờ dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát trở lại.
Bên cạnh đó, chị Loan cũng tận dụng khoảng thời gian này để chế biến những món ăn ngon cho những người thân trong gia đình. Mỗi bữa ăn là một niềm háo hức mong chờ với các con khi chị hứa hẹn mang đến cho chúng những món mới, lạ miệng, lạ mắt. Còn gì vui hơn trên bàn ăn có những đĩa thức ăn đủ màu sắc, bốc khói nóng hôi hổi và có cả những lọ hoa đẹp điểm xuyết thêm cho không gian thêm ấm cúng, đậm đà.
Mỗi ngày chị Loan đều không quên chụp ảnh những lọ hoa, món ăn đưa lên mạng xã hội để ghi dấu lại khoảng thời gian gia đình ở bên nhau nhiều hơn những ngày thường. Đó cũng là cách chị động viên tinh thần bạn bè, người thân của mình.
Nhà anh Cường (ở Gia Lâm, Hà Nội) thì lại có cách để các con bớt căng thẳng, bí bách khi phải ở nhà một khoảng thời gian dài. Không thể chủ động được công việc vì cả hai vợ chồng đều làm hành chính, đến giờ là phải ra khỏi nhà, anh để hai đứa trẻ con tự trông nhau với sự giám sát qua màn hình camera.
Cuối ngày, đặc biệt là những ngày nghỉ, anh và vợ tranh thủ khoảng thời gian thú vị này để cùng nhau đọc sách, làm việc nhà. Phải ở nhà cả ngày bọn trẻ con rất khó chịu nên cầm đến sách là ngại, vợ anh nghĩ ra cách cả nhà mỗi người đóng một vai trong câu chuyện mà cuốn sách nói đến. Thế là bọn trẻ vừa được tham gia diễn kịch vừa hiểu hơn thông điệp của mỗi câu chuyện.
Bên cạnh đó, anh Cường cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời cho việc các thành viên trong gia đình gắn kết, giúp đỡ nhau bằng những việc làm hàng ngày.
“Trước đây các con mình cứ đi học về là ngồi xem TV nhưng bây giờ mình động viên các cháu làm việc nhà. Chẳng hạn giúp mẹ cắm cơm, rửa rau, rút quần áo, giúp bố đổ rác, lau nhà, kiểm tra, sửa chữa một số đồ lặt vặt trong gia đình. Các cháu rất vui, dần dần thành thạo việc nhà hơn và quan trọng là biết tự lập, biết san sẻ công việc với bố mẹ”, anh Cường hào hứng nói.
Đã có nhiều mùa xuân người Hà Nội đi lễ chùa, đi du xuân. Đã có nhiều mùa xuân người Hà Nội tất bật với những dự định, kế hoạch đầu năm. Vì thế, đây là năm thứ hai người Hà Nội đón một mùa xuân khác biệt nhưng không mấy bỡ ngỡ. Mỗi người, mỗi gia đình đều nhanh chóng thích nghi, sắp xếp để một mùa xuân trôi qua không lãng phí mà vẫn tràn đầy niềm vui, niềm hi vọng vào một năm mới sẽ có nhiều khởi sắc.