Thầy giáo trẻ tái chế rác thải thành giáo cụ dạy học
Thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết
Bài liên quan
"Thầy giáo loa thùng” cổ vũ cộng đồng đẩy lùi Covid
Học online mùa dịch: Thầy giáo dạy Toán bằng bài rap tự sáng tác
Thầy giáo trẻ rời cố đô “cõng chữ” lên vùng cao
Tốt nghiệp khoa Lý luận chính trị - Giáo dục công dân, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, thầy giáo Quyết về công tác tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng từ cuối năm 2019. Ngay từ khi là sinh viên, chàng trai trẻ đã mày mò sáng tạo làm giáo cụ trực quan và tham gia nhiều cuộc thi về bảo vệ môi trường.
Khi đó, chàng sinh viên Hữu Quyết nhận thấy, hộp xốp, ống hút, túi nilon, vỏ chai nhựa… là những sản phẩm được sử dụng hằng ngày nhưng lại khiến môi trường bị ô nhiễm nặng. Đó là những loại rác thải phải mất rất nhiều năm mới có thể phân hủy. Thay đổi thói quen của người tiêu dùng, chung tay thực hiện phong trào chống rác thải nhựa đòi hỏi những người trẻ phải đi đầu.
Giáo cụ trực quan được làm từ phế liệu được thầy giáo trẻ đưa vào các buổi học online |
“Bên cạnh những vấn đề trên, đối với người trong ngành Sư phạm như mình, dạy học trực quan là một phương pháp tích cực, tạo được hứng thú học tập cho học sinh. Tuy nhiên, kinh phí bỏ ra để chế tạo đồ dùng dạy học khá lớn. Điều này đòi hỏi sự linh hoạt, sáng tạo của giáo viên”, thầy giáo Quyết chia sẻ.
Từ việc nghiên cứu phương pháp, kỹ thuật dạy học, chương trình giáo dục phổ thông mới nhằm phát huy quan điểm lấy người học làm trung tâm, hình thành cho học sinh những phẩm chất và năng lực, thầy giáo Quyết và những người bạn đã tạo ra đồ dùng học tập trực quan. Trong đó, việc tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học vừa mang lại hiệu quả giáo dục vừa tiết kiệm được kinh phí và bảo vệ môi trường.
Một trong những sản phẩm giáo cụ trực quan được thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Quyết thực hiện |
Giải pháp này được thầy giáo trẻ mang đến cuộc thi “Tuổi trẻ ứng phó với biến đổi khí hậu” do Cổng Thông tin điện tử Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp, Đại sứ quán Pháp, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam tổ chức năm 2019.
“Sau cuộc thi với mong muốn giải pháp này được áp dụng vào trong thực tiễn dạy học ở trường phổ thông mình đã tiếp tục tạo ra các giáo cụ trực quan từ phế liệu. Những sản phẩm này đã được mình áp dụng vào thực tiễn giảng dạy tại trường THPT Huỳnh Thúc Kháng”, thầy giào Quyết cho biết.
Bốn tháng đầu năm 2020 học sinh không thể đến trường vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thay vào đó các em có buổi học trực tuyến cùng thầy cô. Những bài giảng môn Giáo dục công dân của thầy giáo trẻ tiếp tục có sự đồng hành của các sản phẩm giáo cụ trực quan được làm từ phế liệu.
Vì thế, bài giảng cũng trở lên sinh động, hấp dẫn các em học sinh hơn. Bên cạnh đó, thầy giáo Quyết còn cho học sinh thực hiện hoạt động tích hợp trong các bài dạy về môi trường ở nhà như lập và xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường ở địa phương. Thông qua mô hình và các hoạt động đó, học sinh lĩnh hội được kiến thức và thích thú với mỗi tiết học.
Đặc biệt, hoạt động này góp phần giáo dục ý thức học sinh, hình thành những năng lực và phẩm chất của một công dân Việt Nam trong xã hội hiện đại, đáp ứng được việc đổi mới, tích hợp trong dạy học cũng như giáo dục ở trường phổ thông trong giai đoạn hiện nay.
“Giáo dục gắn liền với bảo vệ môi trường cũng là nhiệm vụ, trách nhiệm của giáo viên môn Giáo dục công dân như mình. Từ việc nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, mình cũng mong muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, tạo động cơ học tập tích cực cho học sinh. Những giáo cụ trực quan được tái chế từ rác thải sẽ càng nâng cao hiệu quả giáo dục, giúp các em học sinh có nhận thức và hành động đúng”, thầy giáo Quyết tâm sự.