Tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Tồn tại nhiều bất cập
Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội được triển khai từ năm 2009. Với tính ưu việt của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp, tỷ lệ lao động tham gia loại hình bảo hiểm này ngày càng tăng.
Thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội cho thấy, sau hơn 13 năm đi vào đời sống, số người tham gia chính sách ngày một tăng, hiện có hơn 14 triệu người tham gia. Số thu Bảo hiểm thất nghiệp cũng tăng lên tương ứng, từ 3.511 tỷ đồng vào năm 2009, tăng lên 9.940 vào năm 2015.
Liên tục từ năm 2015 đến nay, số tiền bổ sung vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp tăng bình quân 15%/năm. Từ nguồn quỹ an sinh này, người lao động tham gia chính sách ngày càng được thụ hưởng nhiều quyền lợi khi không may gặp rủi ro về việc làm.
Riêng năm 2022, số người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp là 889.011 người, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2021 (688.972 người); Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 879.557 người, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021 (678.247 người). Tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.892.271 lượt người, tăng 25,1%; Số người được hỗ trợ học nghề là 19.526 người, tăng 10,8% so với năm 2021.
Người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội |
Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy rõ vai trò “giá đỡ” an sinh của Bảo hiểm thất nghiệp, giúp người lao động có thêm nguồn thu nhập trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, việc thực hiện chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ những bất cập như, chưa mở rộng đến nhóm lao động có hợp đồng ngắn hạn (dưới 3 tháng); Chưa bao phủ đến nhóm lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức (không có hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc). Trong khi đó, nhóm lao động này chiếm số đông trong lực lượng lao động xã hội.
Bên cạnh đó, hình thức trợ giúp cho người lao động nặng về tính trợ cấp trong ngắn hạn, chưa rõ vai trò là công cụ quản trị trường lao động, góp phần đưa thị trường lao động phát triển, tạo điều kiện cho người lao động có việc làm bền vững, hạn chế tối đa tình trạng thất nghiệp.
Chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, chủ yếu là các nghề đào tạo ngắn hạn, thậm chí đã “bão hòa” trên thị trường như nấu ăn, pha chế đồ uống, máy vi tính…, nên chưa được nhiều người lao động lựa chọn.
Do đó, cần quan tâm, mối liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề cho nhóm lao động đặc thù này sao cho phù hợp với nguyện vọng, khả năng của họ, nhu cầu của thị trường chưa hình thành rõ nét. Hơn nữa, chức năng phòng ngừa lao động bị thất nghiệp của chính sách Bảo hiểm thất nghiệp còn mờ nhạt.
Khẳng định vai trò “giá đỡ” an sinh
Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan, trong quá trình xây dựng Luật Việc làm sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất nhiều nội dung quan trọng về Bảo hiểm thất nghiệp. Đó là mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm thất nghiệp; Có giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp; Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng đại đa số người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp như thời gian qua…
Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, khi chính sách Bảo hiểm thất nghiệp được triển khai theo hướng trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, thì tỷ lệ lao động tham gia Bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng nhanh, giúp người lao động tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững.
Đào tạo nghề nấu ăn cho lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh) |
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Những quy định mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Việc làm hướng đến mục tiêu chủ động phòng ngừa thất nghiệp, hạn chế những “cú sốc” có thể xảy ra đối với người lao động, doanh nghiệp và thị trường…
Chủ động khắc phục những hạn chế, các cơ quan chức năng tiếp tục triển khai Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp” theo Quyết định số 2269/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 10/2/2023, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo cùng bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách.
Với sự nỗ lực từ nhiều ngành, nhiều phía, hy vọng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng hấp dẫn và mở rộng số người tham gia. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm thất nghiệp sẽ tăng từ 31,18% lực lượng lao động trong độ tuổi vào cuối năm 2022 (tương ứng với 14,33 triệu người tham gia), lên 31,7% vào cuối năm nay (tương ứng với gần 15 triệu người tham gia).