Teen Hà Nội sáng chế sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh xơ vữa động mạch
Nhóm học sinh Hà Nội thực hiện dự án giành giải nhất khối THPT cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2019" (SV.Startup 2019)
Bài liên quan
Học sinh Hà Nội chiếu phim gây quỹ, ủng hộ trẻ đặc biệt khó khăn
Đoàn học sinh Hà Nội đạt thành tích ấn tượng tại Kỳ thi Olympic Quốc tế Mát-xcơ-va
Văn Hậu, Quang Hải sẽ giao lưu với học sinh Hà Nội vào ngày mai
Bốn học sinh Lưu Hải Lân, Nguyễn Hà Quỳnh Anh, Vũ Đức Minh và Nguyễn Mai Tùng Lâm đến từ trường THCS - THPT quốc tế Thăng Long, THPT Phan Đình Phùng và THPT Việt Đức (Hà Nội).
Ý tưởng độc đáo đến bất ngờ khi một trong số các thành viên trong nhóm có người thân trong gia đình mắc chứng xơ vữa động mạch. Trưởng nhóm Lưu Hải Lân chia sẻ: “Em thường tìm hiểu cách thức chữa trị căn bệnh. Một lần tình cờ đọc tài liệu tiếng Anh, em phát hiện chất resveratrol, thành phần có trong vỏ quả nho đỏ, có khả năng chống hư hại thành động mạch, làm giảm nguy cơ mắc chứng xơ vữa, giảm mỡ máu và các bệnh về tim. Nhược điểm của resveratrol là khó hòa tan trong nước, dẫn đến cơ thể khó hấp thụ, gây ra tác dụng phụ như tiêu chảy hay dị ứng. Điều này khiến em băn khoăn làm sao để loại bỏ những nhược điểm cố hữu đó".
Sau một thời gian tìm hiểu, Hải Lân chia sẻ ý tưởng với ba người bạn cùng chung đam mê khoa học là Quỳnh Anh, Đức Minh và Tùng Lâm. Cả ba học sinh lớp 11 phối hợp với Hải Lân lập dự án nghiên cứu cách dung nạp resveratrol dễ dàng hơn.
Sau hai tháng tìm tòi tài liệu, tham khảo các mô hình, các em tìm đến công nghệ nano để giải quyết nhược điểm của chất resveratrol. "Công nghệ nano giúp đột phá chất resveratrol có trong vỏ nho đỏ đạt kích thước nhỏ hơn 50 nm, dễ xuyên qua màng tế bào của dạ dày, đi vào mạch máu, tác động lên mảng xơ vữa, hạn chế bị đào thải qua đường bài tiết", Tùng Lâm nói.
Nhiệm vụ của nhóm là chuyển chất resveratrol, được nhập khẩu từ châu Âu, thành nano resveratrol. Tại phòng thí nghiệm của một công ty dược do phụ huynh hỗ trợ tìm kiếm, cả nhóm phải thử nghiệm gần 500 lần mới tìm ra nồng độ phần trăm của dung dịch phù hợp.
"Mỗi lần sai số dung dịch là một lần các thành viên cảm thấy mắc kẹt trong ngõ cụt và muốn từ bỏ. Khi ấy, mọi người cùng ngồi lại, động viên lẫn nhau, thay phiên thực hiện thử nghiệm", trưởng nhóm Hải Lân chia sẻ.
Nhớ lại những ngày đầu thực hiện dự án, các thành viên chia sẻ đã gặp nhiều khó khăn, nhất là sắp xếp thời gian làm việc vì đến từ các trường khác nhau. Một tháng trước cuộc thi SV.Startup 2019, các thành viên quyết định xin nghỉ học. Mỗi ngày các em gặp nhau 14 tiếng, từ 8h đến 10-11h đêm để hoàn thiện dự án.
Những lần đầu đọc tài liệu nước ngoài, Vũ Đức Minh, thành viên có khả năng tiếng Anh khá nhất (IELTS 6.5) không thể hiểu hết nội dung vì nhiều từ chuyên ngành. Nam sinh phải tìm hiểu trước kiến thức Hóa học lớp 11 để hiểu các khái niệm, phản ứng hóa học, từ đó hiểu nội dung tài liệu.
Sau khi điều chế thành công, nhóm liên lạc với đối tác là Công ty dược phẩm Nam Hà, nơi có nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP, để sản xuất thử nghiệm lô sản phẩm đầu tiên. Khi sản phẩm thử nghiệm được đánh giá tốt, cả nhóm lại bắt tay nghiên cứu cách truyền thông cho sản phẩm.
Không muốn đi theo phương pháp truyền thống là giới thiệu thông qua nhà thuốc hoặc bác sĩ kê đơn, nhóm quyết định áp dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối) vào việc tạo ứng dụng di động NanoRes. Ứng dụng NanoRes là nền tảng kết nối khách hàng với nhà cung cấp thông qua cộng tác viên tài xế công nghệ.
"Đầu tiên, chúng em sẽ giới thiệu sản phẩm với cộng tác viên, sau đó cộng tác viên giới thiệu đến khách hàng. Sau khi có thông tin khách hàng trên ứng dụng, chúng em sẽ trực tiếp liên lạc tư vấn", Quỳnh Anh, thành viên nhóm nói về quy trình.
Hải Lân cho biết, hiện tại, nhóm chưa có ý định thương mại hóa sản phẩm mà sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm ra chiến lược kinh doanh phù hợp để sản phẩm có thể ra mắt thị trường trong thời gian sớm nhất.