Hơn 800 tác phẩm dự thi giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục”
Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện Ngôi trường 95 năm tuổi trong xu thế hội nhập toàn cầu giáo dục Hà Nội coi giáo dục là một trụ cột phát triển bền vững |
Sáng 14/11, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” năm 2024.
Dự buổi họp báo có bà Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo; ông Phạm Tiến Toàn, Phó Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải; ông Jason MacVaugh, Giám đốc Phụ trách Đào tạo kiêm Trưởng khoa, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam -BUV.
Quang cảnh buổi họp báo |
Buổi họp báo cũng có sự tham dự của ông Trần Văn Đạt - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT; bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD&ĐT; ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT; ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục; ông Nguyễn Anh Vũ Tổng Biên tập Báo Văn Hóa; ông Lê Thanh Kim - Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân; bà Đỗ Thị Thu Hiên - Phó Tổng biên tập Thường trực Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức
Năm 2024 là năm thứ 7 Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam".
Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện, nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc về sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của nước nhà và tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Qua đó, nhằm tuyên truyền, tôn vinh những đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải thông tin tại họp báo |
Phát biểu tại họp báo, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Giải cho biết: Năm 2024, Giải Báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam nhận được hơn 800 tác phẩm dự thi. Loại hình báo điện tử nhận được nhiều tác phẩm dự thi nhất; sau đó lần lượt là loại hình báo in, truyền hình và phát thanh.
Với loại hình báo điện tử, chất lượng khá đồng đều, có nhiều loạt bài công phu. Bài dự thi được trình bày hiện đại, phong phú dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình text, ảnh, video, đồ họa.
Đặc biệt, năm nay có sự xuất hiện của một số bài Podcast mang đến yếu tố mới lạ.
Một điểm đáng chú ý là năm nay số cơ quan báo chí địa phương có tác phẩm dự thi loại hình báo in phong phú hơn, trải dài từ Bắc đến Nam, như Báo Lào Cai, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Hội đồng giám khảo đánh giá chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện.
Ở lần tổ chức các năm trước, tác phẩm tham dự giải đi sâu phân tích những vấn đề “nóng” của ngành và những câu chuyện cảm động của các nhà giáo cắm bản, bám trường, bám lớp, tình nguyện gieo chữ nơi rẻo cao xa xôi của Tổ quốc. Ở mùa giải năm nay, bên cạnh những đề tài, câu chuyện nêu trên, các tác phẩm phản ánh rõ nét những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục và mang đậm hơi thở cuộc sống.
Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, cộng tác viên từ khá nhiều các cơ quan báo chí lớn ở trung ương cũng như các địa phương trong cả nước. Các tác phẩm dự giải đã bám sát các chủ đề lớn liên quan đến sự nghiệp giáo dục Việt Nam, thể hiện trong nhiều mặt khác nhau của đời sống đất nước.
Nhiều tác phẩm phản biện chính sách, phân tích chuyên sâu để phản ánh những chủ điểm của ngành Giáo dục trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện.
Có tính lan tỏa cao trong xã hội
Các tác phẩm đã phản ánh đậm nét về đời sống giáo viên và bám sát vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Những vấn đề được dư luận và xã hội quan tâm như đổi mới dân chủ cơ sở trong trường học, phân luồng học sinh, văn hóa học đường, tâm lý học đường, dạy học tích hợp định hướng nghề nghiệp, đổi mới chương trình sách giáo khoa, biên chế giáo viên, chuyển đổi số, tự chủ đại học, giải quyết các vấn đề về chế độ, chính sách... các tác phẩm có tính phát hiện, thực tiễn, góc khuất.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Chung khảo nhận xét về chất lượng tác phẩm tham dự giải |
Nhiều tác phẩm tôn vinh những tấm gương thầy cô giáo, những tập thể nhà trường đã và đang ngày đêm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục và đào tạo từ bậc mầm non đến đại học nhưng cũng có tác phẩm phản biện các chính sách và hoạt động trong ngành để kiến tạo những giải pháp góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Nhìn chung, chất lượng tác phẩm đồng đều, khoảng cách giữa báo chí trung ương và báo chí địa phương được thu hẹp. Nhiều tác phẩm chân thực, xúc động, lay động lòng người, thể hiện sự dấn thân của phóng viên, có tính lan tỏa cao trong xã hội.
Giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” đã có sức hút mạnh mẽ với các nhà báo. Số đơn vị tham gia năm nay cũng rất đa dạng, trong đó có rất nhiều tỉnh thành phố. Như vậy là so với nhiều mùa giải trước thì số lượng tỉnh tham gia phong phú, trải dài từ Bắc đến Nam. Chất lượng tác phẩm của các địa phương cũng đã được nâng cao cả về nội dung và hình thức vì vậy số lượng tác phẩm đoạt giải của các địa phương cũng đã tăng nhiều so với các năm trước.
Ban Tổ chức và đại biểu dự họp báo chụp ảnh lưu niệm |
Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức thường niên, thể hiện sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các cơ quan thông tấn báo chí trên cả nước, bởi báo chí đã luôn đồng hành cùng ngành Giáo dục trong công cuộc đổi mới. Đây là giải thưởng có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc.
Thành công của Giải cho thấy, vai trò của báo chí đối với sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của nước nhà và vai trò đặc biệt quan trọng của Giáo dục - Đào tạo với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.