TASCO - Ngọc Sao Thủy: Thua lỗ triền miên vẫn trúng thầu dự án “khủng” tại Thanh Hóa
Thanh Hóa: Lộ diện nhà thầu của dự án khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú |
“Một mình một ngựa” trúng dự án khủng
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất đối với dự án Khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú (nay là phường Quảng Phú), TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, nhà đầu tư trúng thầu là liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy - Công ty Cổ phần TASCO, cùng với điều kiện thời hạn và tiến độ thực hiện dự án không quá 54 tháng.
Tổng quy mô dự án gần 40ha. Mục tiêu dự án xây dựng khu dân cư và thương mại dịch vụ đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đảm bảo khớp nối về không gian kiến trúc và hạ tầng với các dự án lân cận. Cụ thể, tính chất khu dân cư kết hợp trường học, thương mại - dịch vụ tổng hợp, bãi đỗ xe.
Tổng chi phí thực hiện dự án khoảng 2.404,7 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là 151,7 tỷ đồng, chi phí thực hiện dự án là 2.256 tỷ đồng. Giá trị đề xuất nộp ngân sách Nhà nước (độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải nộp theo quy định) là 59,4 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 6/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt kết quả sở tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án trên. Theo quyết định, dự án chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển là liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy - Công ty Cổ phần TASCO.
Một góc TP Thanh Hóa (Ảnh: VGP) |
Tháng 3/2021, liên danh Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy và Công ty Cổ phần TASCO đã có văn bản đề nghị được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Sau khi nhận được đề nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu đề xuất của nhà đầu tư.
Liên danh nhà đầu tư thua lỗ triền miên
Về nhà đầu tư, theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy (địa chỉ: Số nhà 679 Quang Trung, phường Quảng Thịnh, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) được thành lập vào tháng 4/2019 với vốn điều lệ ban đầu ở mức 500 tỷ đồng, gồm 2 cổ đông sáng lập là bà Tống Thị Lan (SN 1964, sở hữu 70% vốn) và ông Phạm Ngọc Sáng (SN 1958, sở hữu 30% vốn). Bà Lan đồng thời đảm nhiệm vị trí Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Tháng 4/2020, cơ cấu cổ đông của Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy có sự thay đổi khi 30% vốn cổ phần của ông Phạm Ngọc Sáng được chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Trang (SN 1992, có cùng địa chỉ thường trú với bà Lan và ông Sáng). Đến ngày 12/5/2021, Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy đã tăng vốn điều lệ lên mức 700 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy là doanh nghiệp còn non trẻ trong giới bất động sản. Tại thời điểm ngày 31/12/2020, tổng tài sản của công ty đạt 523,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lớn tài sản lại nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn với 420 tỷ đồng, còn lại hơn 103,4 tỷ đồng là khoản tiền và tương đương tiền.
Mặt khác, tình hình kinh doanh của Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy cũng được gói gọn trong "gam màu tối" khi không ghi nhận doanh thu năm 2019 và 2020. Sau khi khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp lỗ ròng lần lượt 5,9 triệu đồng và 995 triệu đồng.
Được biết, ngoài Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy, bà Tống Thị Lan còn đứng tên cho hàng loạt pháp nhân khác có hoạt động chính trong lĩnh vực khai khoáng và bất động sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như: Công ty TNHH Xây dựng khai thác khoáng sản Thiên Phú, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thương mại Chúc Ngọc Linh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Thiên Tài, Công ty TNHH Kiến trúc nội thất T&H Concept, Công ty TNHH TM Thuận Lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Lộc Phát.
Ngoài ra, bà Tống Thị Lan cũng đứng tên cho một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Khoáng sản Phong Thủy, Công ty Cổ phần Thương mại Ngọc Hồng PT, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thuận Lợi nhưng các doanh nghiệp này đều đã ngừng hoạt động và đã đóng mã số thuế.
Sau 6 quý lỗ liên tiếp, đến cuối tháng 9/2021, Công ty Cổ phần TASCO có khoản lỗ lũy kế hơn 53 tỷ đồng |
Trong khi đó, về phía Công ty Cổ phần TASCO, doanh nghiệp này được biết đến là "ông lớn" hoạt động trong lĩnh vực BOT và bất động sản. Mang tiếng là doanh nghiệp lớn song việc kinh doanh trong thời gian của công ty khá bết bát.
Theo đó, trong quý III/2021, Công ty Cổ phần TASCO ghi nhận doanh thu đạt 162 tỷ đồng, giảm 16%, chủ yếu do nguồn thu từ hoạt động thu phí BOT giảm hơn 20 tỷ đồng xuống còn 130 tỷ đồng. Doanh thu bất động sản và doanh thu bán hàng cũng sụt giảm mạnh, nguồn thu từ hợp đồng xây dựng không ghi nhận dòng tiền trong kỳ này.
Do tiết giảm được giá vốn từ hoạt động thu phí khiến lợi nhuận gộp của Công ty Cổ phần TASCO tăng mạnh gấp 17 lần, đạt 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty thì lợi nhuận đang âm 11,8 tỷ đồng.
Mặt khác, doanh thu tài chính giảm mạnh 57%, trong khi các chi phí lại tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế âm 72 tỷ đồng, cùng kỳ cũng ghi nhận âm 80 tỷ đồng. Qua đó ghi nhận quý thứ 6, công ty liên tiếp lỗ.
Tính chung 9 tháng năm 2021, Công ty Cổ phần TASCO lỗ hơn 146 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 90 tỷ đồng. Như vậy, tính hết tháng 9/2021, công ty ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 53 tỷ đồng.
Theo giải trình của đơn vị này, dịch COVID-19 tác động trực tiếp lên hầu hết các mảng kinh doanh là nguyên nhân dẫn khiến công ty kinh doanh ảm đạm.
Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tài chính chung của Công ty Cổ phần TASCO có thể thấy các mảng kinh doanh của doanh nghiệp đã lao dốc mạnh từ trước đó, chủ yếu do kinh doanh bất động sản không hiệu quả và gặp nhiều vướng mắc bởi các dự án BOT. Sự xuất hiện của COVID-19 tác động thêm khiến sức khỏe tài chính của doanh nghiệp càng thảm hại.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tổng tài sản của Công ty Cổ phần TASCO ở mức hơn 9.842 tỷ đồng. Đáng nói, hơn một nửa tài sản, nguồn vốn của công ty lại được tài trợ bởi các khoản nợ vay với 5.310 tỷ đồng, chủ yếu là là vay dài hạn.
Hơn nữa, đòn bẩy tài chính của Công ty Cổ phần TASCO đang ở mức cao (hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cao hơn gấp 2 lần). Cụ thể, tổng nợ phải trả của công ty ở mức 7.028 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 2.814 tỷ đồng. Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp rủi ro trong việc trả nợ càng lớn.
Có thể thấy, tình hình tài chính của Công ty Cổ phần TASCO và Công ty TNHH Ngọc Sao Thủy là kém khả quan, chưa nói đến là tiêu cực. Như vậy, dư luận hoàn toàn có cơ sở đặt hoài nghi về hồ sơ năng lực trúng thầu và triển khai dự án khu dân cư và thương mại dịch vụ xã Quảng Phú, với mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.