Tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động thiện nguyện
Tồn tại nhiều bất cập trong công tác thiện nguyện
Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc quốc gia tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: Trong nhiều thập kỷ trước đây, Việt Nam là một quốc gia nằm trong đới khí hậu khắc nghiệt về bão, lũ và biến đổi khí hậu, cùng với việc là một nước nghèo nên nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ, cứu trợ của cộng đồng quốc tế. Cộng với truyền thống “lá lành, đùm lá rách” của Việt Nam đã góp phần hỗ trợ được nhiều cá nhân và cộng đồng mỗi khi gặp khó khăn, thiên tai và dịch bệnh.
Thực tiễn từ mùa bão lũ cuối 2020 đã nảy sinh một số bất cập khi so sánh, đối chiếu với quy định pháp luật, đó là, công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định 50 và Nghị định 80.
Thêm nữa, việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị dèm pha, thậm chí bắt đầu xuất hiện hiện tượng lợi dụng cứu trợ để trục lợi...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các tổ chức quốc tế để hỗ trợ bà con nhân dân các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi thiên tai |
Cũng theo ông Phạm Quang Tú, mặc dù Việt Nam đã đạt ngưỡng phát triển trung bình nhưng vẫn còn nhiều người nghèo cần hỗ trợ, cộng với đặc thù địa lý khiến cho Việt Nam luôn đối mặt với thiên tai khắc nghiệt, do đó, công tác cứu trợ từ thiện, nhân đạo vẫn là hoạt động phổ biến và luôn được quan tâm.
Vì lẽ đó, quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định cần tính đến việc mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân; Tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để bảo đảm hiệu quả và an toàn; Thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ - từ “quản lý” cứu trợ đến “điều phối và hỗ trợ” nhằm bảo đảm hoạt động cứu trợ hiệu quả.
Ngày 23/10/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64. Ngày 25/12/2020, Bộ Tài chính đã công khai bản dự thảo trên cổng thông tin của bộ để lấy ý kiến Nhân dân theo quy định của pháp luật.
Bình luận về dự thảo Nghị định 64 sửa đổi, ông Phạm Quang Tú cho biết, bản dự thảo được đưa ra kịp thời và đã tích hợp đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, dự thảo bổ sung thêm quy định cho phép các cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện và cá nhân được vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động trợ giúp người mắc bệnh hiểm nghèo, theo từng trường hợp cụ thể.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng các tổ chức quốc tế để hỗ trợ bà con nhân dân các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi thiên tai |
Đồng thời, dự thảo đã có sự phân tách rõ ràng về tổ chức vận động đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước đối với các tổ chức và các cá nhân.
Dự thảo đã phân tách rõ giữa nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân vận động và nguồn ngân sách nhà nước. Theo đó, các khoản đóng góp tự nguyện do tổ chức, cá nhân vận động, tiếp nhận và sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo không tổng hợp vào ngân sách Nhà nước.
Dự thảo cũng đã đề cao tính công khai, minh bạch đối với cả tổ chức và cá nhân trong việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước đối với các tổ chức.
Tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng “hệ sinh thái” cho các hoạt động thiện nguyện
Góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 64, ông Trần Đăng Tuấn, đại diện Quỹ Trò nghèo vùng cao cho rằng, định hướng chính sách chủ đạo của nghị định sửa đổi là cần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng “hệ sinh thái” cho các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ khẩn cấp. Hệ sinh thái đó dựa trên nền tảng cung cấp thông tin cho nhau giữa chính quyền, mặt trận tổ quốc với các tổ chức, cá nhân tham gia cứu trợ.
Cần tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng “hệ sinh thái” cho các hoạt động thiện nguyện |
Theo ông Tuấn, nên chuyển trọng tâm của tổ chức mặt trận ở Nghị định 64 cũ là tiếp nhận phân phối sang cung cấp thông tin. “Người đi làm từ thiện tấm lòng thì có thừa nhưng thiếu thông tin, trong khi cái thuận lợi lớn nhất của địa phương là có thông tin trong khi Nghị định 64 cũ không giải quyết được việc phát huy mặt mạnh nhất của hệ thống mặt trận tổ quốc, chính quyền địa phương là thông tin.
Vì vậy, cần có quy định rõ về cơ chế cung cấp thông tin. Tạo nên được hệ sinh thái cho hoạt động từ thiện như trên thì đồng thuận giữa hệ thống quản lý và cộng đồng mới lâu dài”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng góp ý thêm rằng, bên cạnh môi trường thuận lợi cũng cần có các chính sách cụ thể về ưu đãi thuế hoặc miễn trừ cho công tác từ thiện. Công tác tôn vinh, ghi nhận các tấm gương làm từ thiện của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, cần loại bỏ từ duy “cho hay không cho” trong việc thực hiện công tác cứu trợ, thiện nguyện; Thay vào đó cần bổ sung những quy định, hướng dẫn về cách thức, phương pháp thực hiện và điều phối nhằm đảm bảo công tác cứu trợ hiệu quả, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao.
Tùy từng trường hợp, hoàn cảnh, địa phương thì tổ chức nhà nước hay tổ chức Nhân dân, tổ chức xã hội hoặc cá nhân đều có thể đứng ra điều phối công tác cứu trợ.