Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng
Trong buổi họp báo thông tin kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm, diễn ra sáng 21/6, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tính đến 15/6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 và tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đây không phải con số tăng trưởng tín dụng cao nếu so với các năm trước. Mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm kể trên là mức tăng thấp nhất trong hơn một thập niên trở lại đây (từ năm 2012). Thậm chí, mức tăng này còn thấp hơn cả giai đoạn 6 tháng đầu của năm 2020 - thời điểm dịch COVID-19 bùng phát.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại cuộc họp |
"Ở góc độ Ngân hàng Nhà nước, nhà điều hành cũng rất muốn tăng trưởng tín dụng cao nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để bơm tín dụng ra vô tội vạ, bất chấp tín dụng đó có lành mạnh không", Phó thống đốc Thường trực Đào Minh Tú thông tin. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, nếu hạ chuẩn tín dụng sẽ khiến các khoản tín dụng biến thành nợ xấu, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Cụ thể, về điều hành tỷ giá, Ngân hàng nhà nước tiếp tục theo dõi sát thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Ngân hàng nhà nước mua được ngoại tệ từ tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động thanh toán, chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện. Các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch.
Toàn cảnh buổi họp |
Theo thống kê mới nhất, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 52,35% về số lượng; Qua kênh internet tăng 75,54% về số lượng và 1,77% về giá trị; Qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 64,26% và 7,65%; Qua phương thức QR code tăng tương ứng 151,14% và 30,41%; Qua POS tăng tương ứng 30,35% và 27,27%; Qua ATM giảm 4,62% về số lượng và 6,43% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Về định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế...; Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.