Tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Tăng tuổi nghỉ hưu là phương án nhằm đảm bảo an sinh xã hội bền vững
Bài liên quan
Giải quyết kịp thời những kiến nghị của công nhân
BHXH Hà Nội: Chuyển đổi Cổng giao dịch điện tử từ ngày 1/5
Tổ chức Công đoàn luôn đồng hành cùng người lao động
BHXH Hà Nội chủ trương xây dựng hệ thống BHXH linh hoạt, đa tầng
Hướng tới quyền lợi của người lao động
Theo dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xây dựng hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể với phương án 1, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động, người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Nói về sự cần thiết để tăng độ tuổi nghỉ hưu trong giai đoạn hiện nay, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Hiện nay, Việt Nam có quy mô, cơ cấu dân số thay đổi theo hướng số người trong độ tuổi có khả năng lao động giảm do tác động của quá trình già hóa dân số, số người phụ thuộc tăng lên (với 44,4% vào năm 2019). Ðồng thời, chất lượng, thể trạng sức khỏe và tuổi thọ của người lao động ngày càng tăng. Hiện, tuổi thọ bình quân của nam giới là 72,1 tuổi, của nữ giới là 81,3 tuổi và cả hai giới tính là 76,6 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới (72 tuổi).
Mặt khác, lực lượng lao động tham gia thị trường lao động của Việt Nam những năm gần đây đang tăng chậm. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, cuối năm 2013 cả nước có 53 triệu lao động, cuối năm 2018 có 55 triệu lao động. Sau 5 năm, chỉ tăng thêm hai triệu lao động, trung bình mỗi năm chỉ tăng thêm 400.000 lao động. Lực lượng lao động Việt Nam không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ thiếu hụt trong tương lai. Ðây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cần sớm hoàn thành lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, trước khi Việt Nam đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động trong khoảng 20 năm tới do quá trình già hóa dân số.
Đảm bảo cải thiện đời sống người lao động khi về hưu
Việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ góp phần ứng phó với sự thiếu hụt lao động trong tương lai mà còn góp phần cải thiện đời sống người nghỉ hưu dựa trên nguyên tắc đóng – hưởng BHXH.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết: Với việc nâng dần tuổi nghỉ hưu, mức lương làm căn cứ đóng BHXH của người lao động trước khi nghỉ hưu sẽ cao hơn, số năm tham gia BHXH nhiều lên, đồng nghĩa với việc tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn và mức tiền lương bình quân làm căn cứ tính hưởng lương hưu cao hơn. Quyền lợi BHXH của người lao động cũng sẽ tốt hơn, mức lương hưu cao hơn bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi nghỉ hưu. Mặt khác, với những năm đóng BHXH vượt lên, người lao động vẫn được nhận trợ cấp BHXH một lần khi nghỉ hưu.
Tất nhiên, không phải công việc, ngành nghề nào cũng có thể làm việc đến năm 60 - 62 tuổi, do vậy đối với những trường hợp ngoại lệ này vẫn sẽ có những quy định linh hoạt, đồng thời bên cạnh đó cũng cần có những chính sách đồng bộ, tổng thể hơn về đào tạo nghề, đào tạo chuyển đổi nghề với một số ngành, nghề có tuổi nghề ngắn...
Việc tăng tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay còn là mục tiêu chiến lược nhằm hướng tới thực hiện các công ước quốc tế về bình đẳng giới. Nói rõ hơn về điều này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh: "Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã duy trì khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ là 5 tuổi với lý do phụ nữ cần được nghỉ ngơi sớm hơn nam giới. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, khi tuổi nghỉ hưu của nam và nữ chênh lệch quá lớn, sẽ hạn chế cơ hội làm việc và thăng tiến của phụ nữ. Cũng vì nghỉ hưu sớm hơn nên mức lương tối đa khi đi làm của nữ cũng thấp hơn, thời gian tham gia BHXH ngắn hơn, do vậy lương hưu của nữ cũng thấp hơn nam".
Từ những phân tích trên có thể thấy, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu lần này đã được các cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc, thận trọng. Các căn cứ thực tiễn nêu trên cho thấy, vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã chọn được thời điểm thích hợp và thực sự là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.