Tăng tuổi nghỉ hưu: Có ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của lao động trẻ?
Toàn cảnh tại chương trình giao lưu trực tuyến
Bài liên quan
Tuyên dương 90 Công nhân giỏi Thủ đô năm 2019
Phạt đến 200 triệu đồng nếu mang thịt lợn trái phép vào Hàn Quốc
Cơ hội đối với điều dưỡng Việt Nam đi học tập và làm việc tại Đức
9.382 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 4/2019
Sáng 21/5, Báo Nhân Dân phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với chủ đề “Lựa chọn lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp”.
Đánh giá về tác động của đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được đề xuất trong Bộ luật lao động (sửa đổi), PGS.TS Vũ Quang Thọ- Nguyên Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Trong thời điểm này, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu được dư luận rất quan tâm, trong đó có các em đến độ tuổi lao động và đặc biệt là các em đã tốt nghiệp đại học. Tỷ lệ thất nghiệp của nước ta đang khá cao, vì vậy, nhiều người không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu.
Đồng quan điểm, ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định: “Tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ”.
“Tuy nhiên, chính sách của chúng ta tăng chậm và có lộ trình cùng các cơ chế giải quyết khác thì vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu tác động ít đến vấn đề việc làm của lao động trẻ”.
Chúng ta biết rằng xu hướng già hóa dân số của nước ta đang tăng. Mỗi năm, chúng ta sẽ có một lực lượng bước vào thị trường lao động khoảng 1,3 triệu người và khoảng 100 nghìn người bước ra khỏi thị trường lao động. Tuy nhiên, trong tương lai, lực lượng bước vào độ tuổi lao động càng giảm và đội ngũ bước ra khỏi thị trường lao động lại tăng lên. Như vậy, số lao động cần giải quyết việc làm có thể càng ngày càng giảm theo già hóa dân số của chúng ta.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng việc làm ngày càng được mở rộng thêm. Trong lộ trình chính sách, ví dụ đối với các doanh nghiệp, trước đây, chúng ta đã có lộ trình tới năm 2030 phải có đến 2 triệu doanh nghiệp, khi các doanh nghiệp được thành lập thì vấn đề việc làm có thể được giải quyết rất nhiều.
“Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ rằng phải quan tâm đến các chính sách về tuyển dụng, đánh giá cán bộ, ví dụ ở khu vực công, nếu tăng tuổi nghỉ hưu mà không làm tốt chính sách đánh giá và tuyển dụng cán bộ thì sẽ có một lực lượng không làm tốt nhiệm vụ vẫn phải ở lại, trong khi đó lực lượng trẻ được đào tạo bài bản có năng lực lại không được tuyển dụng vào làm việc. Như vậy, tôi nghĩ chúng ta phải thực hiện nhiều chính sách đồng bộ thì mới giải quyết vấn đề một cách tốt nhất và khi đó vấn đề giải quyết việc làm cho lao động trẻ sẽ được giải quyết thỏa đáng”, ông Quảng cho biết thêm.
Đánh giá về xu hướng sử dụng lao động trong tương lai, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ: “Người sử dụng lao động sẽ quan tâm đến kỹ năng và năng lực của người lao động. Tùy vào ngành nghề khác nhau, những nghề yêu cầu kinh nghiệm thì sẽ tuyển người đã có kinh nghiệm, đối với lĩnh vực cần đổi mới sáng tạo thì sẽ cần những lao động trẻ để đột phá, cập nhật những đổi mới của quốc tế. Hiện nay, Việt Nam là nước có nhiều doanh nghiệp nhỏ, mỗi lao động sẽ làm một lúc nhiều việc, vì vậy, theo tôi xu hướng tuyển dụng trong tương lai sẽ nghiêng về lao động trẻ có kỹ năng”.
Thời gian gần đây, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được công bố lấy ý kiến rộng rãi của người dân gồm 17 chương, 221 điều (giảm 21 điều so với hiện hành). Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung 162 điều trong tất cả các chương, sửa đổi hai điều của Luật Bảo hiểm xã hội liên quan đến điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu. Bộ luật Lao động hiện hành gồm 17 chương và 242 điều.
Hai phương án đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu:
Phương án 1, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.
Phương án 2, từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Với lộ trình nhanh hơn, đến năm 2026 lao động nam sẽ đạt 62 tuổi và đến năm 2030 nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60.
Dự thảo Bộ luật cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá năm tuổi đối với người lao động (NLĐ) bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.
NLĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, NLĐ làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt có quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá năm tuổi.