Tăng tính giám sát cộng đồng trong phòng chống tham nhũng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi kiểm tra
Bài liên quan
Chủ động làm tốt công tác phòng ngừa để ngăn chặn sớm các hành vi tham nhũng
Ban Chỉ đạo Chương trình 07-CTr/TU họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019
Xác định rõ các lĩnh vực dễ phát sinh “tham nhũng vặt” để có giải pháp phòng ngừa
Sáng 23/7, Đoàn kiểm tra số 1 của Thành ủy Hà Nội do đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tại quận Đống Đa.
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Đặng Việt Quân cho biết: Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm phòng chống lãnh phí luôn được Quận ủy – HĐND- UBND quận Đống Đa xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có các giải pháp toàn diện trên các lĩnh vực.
Người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp của quận luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu. Các cán bộ đảng viên luôn thẳng thắn đóng góp các ý kiến, thống nhất đề ra biện pháp giải quyết những vấn đề nổi cộm bức xúc trên địa bàn. Trong công tác quản lý điều hành thực hiện các nhiệm vụ được giao, các đồng chí lãnh đạo luôn lắng nghe đóng góp từ cán bộ, đảng viên, qua đó nâng cao ý thức tự giác trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong một bộ phận đảng viên…
UBND quận đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị sự nghiệp và UBND 21 phường thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch theo quy định của luật phòng chống tham nhũng theo chức năng nhiệm vụ; đảm bảo tất cả các thủ tục hành chính phí, lệ phí, quy trình, thời gian giải quyết từng thủ tục đều được công khai, đầy đủ bằng bảng niêm yết tại các đơn vị và trên trang thông tin điện tử của quận. Trong nội bộ từng cơ quan cũng công khai minh bạch hoạt động tài chính, công tác cán bộ theo quy chế làm việc và chi tiêu nội bộ.
Từ đầu nhiệm kỳ, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 229 tổ chức đảng, giám sát 82 tổ chức. Đối với Ủy ban kiểm tra các cấp, đã kiểm tra 15 cấp ủy viên, đảng viên và 11 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm; 1612 lượt tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; 65 tổ chức đảng cấp dưới về thi hành kỷ luật đảng … Qua kiểm tra, Ủy ban kiểm tra các cấp đã trực tiếp xử lý kỷ luật và và đề nghị xử lý kỷ luật 73 đảng viên.
Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được Thường trực, Ban Thường vụ Quận quan tâm sâu sát, có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2016 đến nay, Quận đã thụ lý 186 vụ khiếu nại, tố cáo; giải quyết 112 vụ. Cùng với đó, công tác thanh kiểm tra, truy tố xét xử được chú trọng; các cơ chế, chính sách, chế độ định mức, tiêu chuẩn nhất là cơ chế chính sách trên một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng lãng phí được rà soát, sửa đổi, bổ sung…
Theo đồng chí Đặng Việt Quân, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãnh phí, thực hành tiết kiệm trên địa bàn đã đạt hiệu quả tích cực, góp phần thiết thực vào việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của quận. Tuy nhiên, một số địa phương khi triển khai thực hiện còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống tham nhũng; chưa phát huy hết vai trò của các đoàn thể và nhân dân; việc kết hợp giữa công tác phòng chống tham nhũng với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và phòng chống tội phạm còn một số hạn chế…
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, Đống Đa là quận lớn với dân số đông trên 45 vạn người, mật độ dân cư đông, có nhiều cơ quan, trường học, bệnh viện lớn trên địa bàn. Quận cũng là Đảng bộ lớn nhất của TP với 89 tổ chức cơ sở đảng… Đây vừa là lợi thế phát triển song cũng là sức ép trong công tác quản lý.
Về kết quả thực hiện Chương trình 07 của Thành ủy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá, quận Đống Đa đã chủ động, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; công tác tuyên truyền phổ biến quán triệt thực hiện với nhiều nội dung hình thức phong phú, phù hợp với đặc thù của quận. Kết quả, đã tạo chuyển biến rõ nét trên các mặt: Nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy chính quyền trong phòng chống tham nhũng; chủ động phòng ngừa tham nhũng vặt trong lĩnh vực xây dựng, đất đai;…
Chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân của các tồn tại trong việc thực hiện Chương trình 07 tại quận Đống Đa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị, quận có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Trước mắt, cần phải xác định đây là việc thường xuyên, cấp bách, lâu dài gắn với các Nghị quyết của Trung ương.
Trong công tác phòng chống tham nhũng phải lấy phòng ngừa là chính; nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phát huy sức mạnh của các tổ chức và nhân dân, trong đó nòng cốt là cơ quan nội chính trong phòng chống tham nhũng. Cùng với đó thanh tra kiểm tra kiên quyết đấu tranh mọi hành vi vi phạm ở tất cả các khâu, nhất là ở những lĩnh vực tiềm ẩn tham nhũng như quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý tài sản công, … để đảm bảo “không dám, không thể tham nhũng”
Đặc biệt, quận cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát phản biện của MTTQ và các đoàn thể xã hội, tăng tính giám sát cộng đồng để cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng...