Tăng độ che phủ xanh góp phần phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu
Độ xanh đang bị giảm sút
Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỉ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững của toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Trong những năm qua, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra ngày càng khốc liệt và thường xuyên đã ảnh hưởng không nhỏ tới tài nguyên rừng và hoạt động lâm nghiệp.
Trong khi đó, độ che phủ của rừng nước ta giảm sút đến mức báo động. Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm, nhưng trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Như vậy, trung bình mỗi năm chúng ta mất đi 2.430ha rừng. Bên cạnh đó, chỉ trong 5 năm 2012-2017 diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là 11% và 89% còn lại là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế.
Tỉ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội |
Những tổn thất về rừng là không thể bù đắp được và gây ra nhiều tổn thất lớn về kinh tế, về công ăn việc làm và phát triển đất nước bền vững. Thời gian qua, với những nỗ lực của Chính phủ và các địa phương trong cả nước về việc trồng cây gây rừng, diện tích rừng tuy có tăng, song về chất lượng rừng tự nhiên vẫn còn hạn chế. Do đó, yêu cầu bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài có sự định hướng của Chính phủ, và trên hết cần có sự đoàn kết, chung sức của người dân cả nước nhằm phát triển đất nước theo hướng bền vững.
Không chỉ ở địa bàn nông thôn, tại đô thị, môi trường ô nhiễm, đặc biệt là ô nhiễm không khí, đang tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của con người cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở các đô thị lớn khi mà quá trình đô thị hóa ở nước ta có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay tỉ lệ cây xanh trên mỗi người dân tại các đô thị lớn của Việt Nam chỉ ở mức từ 2-3m2/người, trong khi đó, chỉ số tỉ lệ cây xanh/người của các thành phố hiện đại trên thế giới phổ biến từ 20-25m2/người.
Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay tỉ lệ cây xanh ở đô thị chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình, còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể.
Nhiều khu đô thị mới đã và đang được xây dựng còn thiếu các không gian công cộng như quảng trường, vườn hoa, công viên... Diện tích cây xanh, mặt nước đã không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống suy giảm.
Đơn cử như tại Hà Nội vốn là thành phố nhiều cây xanh nhưng giờ đây tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số tăng nhanh chóng đã khiến tỷ lệ cây xanh đạt quá thấp (chỉ khoảng 2m2/người, theo quy hoạch đến năm 2030, tỉ lệ cây xanh của Thủ đô Hà Nội mới được nâng lên thành 10-12m2/người)…
Từ những phân tích về vai trò của cây xanh trong bảo vệ môi trường cũng như xa hơn là phát triển bền vững cho thấy trồng và bảo vệ rừng đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp thiết.
Chung tay chống biến đổi khí hậu
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân gây ra thiên tai nặng nề, thảm khốc ở miền Trung là do ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi theo hướng ngày càng cực đoan, khó dự báo. Để chung tay chống biến đổi khí hậu, ngoài việc tăng cường, tích cực bảo vệ môi trường sống, sản xuất, kinh doanh… thì hoạt động đẩy mạnh trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cũng cần thiết không kém.
Chính vì vậy, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng vườn quốc gia, khu rừng cấm, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học. Phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng nước ta.
Để chung tay chống biến đổi khí hậu, ngoài việc tăng cường, tích cực bảo vệ môi trường sống, sản xuất, kinh doanh… thì hoạt động đẩy mạnh trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cũng cần thiết không kém |
Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 1/4/2021 đã chỉ rõ, đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học, đề án 1 tỷ cây xanh (690 triệu cây phân tán ở đô thị và nông thôn, 310 triệu cây ở rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng mới rừng sản xuất…) chính là một trong những tiền đề quan trọng để Việt Nam hướng đến phát triển bền vững, mang lại lợi ích môi trường và kinh tế.
Về mặt kinh tế, 690 triệu cây xanh trồng phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.
Bên cạnh đó, với 180.000ha rừng trồng tập trung trong đó có 150.000ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được khoảng 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến, ngoài ra với tổng diện tích 180.000ha rừng tập trung được trồng mới, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 4,5 triệu USD.
Về xã hội, việc thực hiện Đề án sẽ nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng, phát triển cây xanh trong toàn xã hội, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam tham gia. Phát huy sức mạnh từ nguồn lực xã hội, nâng cao ý thức, trách nhiệm và đóng góp của cộng đồng trong bảo vệ, phát triển rừng, trồng cây xanh.