Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm OCOP
Có thêm 25 sản phẩm OCOP
Huyện Quốc Oai hiện có 101 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống. Năm 2019, Thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, huyện đã có 11 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 4 chủ thể, gồm có 5 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao.
Năm 2020, có 37 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 11 chủ thể tham gia, gồm có 28 sản phẩm đạt 4 sao, 9 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2021, có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 11 chủ thể tham gia, gồm có 25 sản phẩm đạt 4 sao, 6 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022, có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP của 15 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng.
Mới đây, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện Quốc Oai tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Theo đó, huyện Quốc Oai có 25 sản phẩm của 12 chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng. Trong đó, 8 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống, 5 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ và 12 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm.
Các sản phẩm của huyện Quốc Oaitham gia đánh giá, phân hạng OCOP |
Là một trong những chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP năm 2023, bà Đỗ Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH An Xanh (thôn Long Phú, xã Hòa Thạch) cho biết, doanh nghiệp có 2 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP là Trà hoa vàng An Tea và Lá trà vàng An Tea. Đây là các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chống lão hóa, được sản xuất theo quy trình an toàn, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, sau khi được đánh giá, phân hạng, công ty mong muốn sản phẩm trà được nhiều người dân Thủ đô và cả nước tin dùng.
Tham gia chương trình OCOP từ năm 2020, chị Nguyễn Thị Ngân, chủ cơ sở sản xuất lá mori, xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai luôn mong muốn đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, chất lượng. Chị Ngân chia sẻ: Để phát triển sản phẩm OCOP chị đã đầu tư máy móc, mở xưởng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản như bột đậu, chanh rừng và enzim cirô. Nguồn nguyên liệu truy xuất được nguồn gốc, quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và để tạo dựng uy tín với khách hàng, cơ sở cũng đã đăng ký kinh doanh và nhãn hiệu cho sản phẩm mang tên lá mori tại xã Nghĩa Hương.
Trong năm 2023, cơ sở cũng đã đăng ký 3 sản phẩm bột đậu, chanh rừng và enzim cirô tham gia OCOP của huyện Quốc Oai để khẳng định uy tín, chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện cơ sở chủ yếu bán qua kênh trực tuyến, và mỗi tháng xuất được khoảng 300 sản phẩm các loại.
Từng bước xây dựng thương hiệu OCOP
Phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu OCOP đang góp phần hỗ trợ rất lớn cho các chủ thể tiêu thụ sản phẩm cũng như hỗ trợ các địa phương trong việc phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Ông Trần Hùng, Phó phòng Kinh tế huyện Quốc Oai chia sẻ, đối với mỗi doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh điều cốt yếu không phải là hỗ trợ bằng tiền mà đó là hỗ trợ về cơ chế chính sách, xúc tiến thương mại, tạo sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, cùng phát triển. Đó là những lợi ích mà OCOP mang lại cho doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh nâng tầm sản phẩm.
Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai cho biết: Sau gần 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay, huyện Quốc Oai đã có 135 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 đến 4 sao.
Tiêu biểu là các sản phẩm thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn của Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp Đồng Tâm (xã Cấn Hữu); Trứng gà tươi của Hợp tác xã Nông sản thực phẩm Thành An (xã Cộng Hòa); Sản phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân Hoàng Doãn Sơn (xã Tân Phú); Miến dong làng So (xã Cộng Hòa); Bột ngũ cốc dinh dưỡng MinMin của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ dinh dưỡng MinMin Việt Nam (xã Cấn Hữu)...
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại Cửa hàng thực phẩm sạch Phủ Quốc Oai |
Thời gian qua, để hỗ trợ các chủ thể quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm, huyện Quốc Oai đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như: Phối hợp với Văn phòng Điều phố chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn online về giới thiệu Cổng thông tin thương mại điện tử http://ketnoiocop.vn cho các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện. Hỗ trợ, tổ chức cho 3 chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia Hội thảo "Chuyển đổi số cho chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức.
Đồng thời hỗ trợ, tổ chức cho 2 chủ thể OCOP tham gia Hội chợ giống vật tư thiết bị nông nghiệp, nông sản an toàn, OCOP, sản phẩm làng nghề và sinh vật cảnh thành phố Hà Nội năm 2022 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức. Hỗ trợ 12 chủ thể tham dự các Hội chợ, Festival do thành phố Hà Nội tổ chức.
Có thể khẳng định, việc triển khai OCOP chính là cơ hội để huyện Quốc Oai quy hoạch lại vùng sản xuất, xác định các sản phẩm nông sản, làng nghề chủ lực, xây dựng thương hiệu, từ đó tăng cường liên kết, mở rộng thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của địa phương.