Tăng cường quảng bá, giáo dục di sản
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện việc giáo dục di sản
Bài liên quan
Tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch
Du lịch Hà Nội đẩy mạnh quảng bá tới thị trường Nhật Bản
Khẳng định vai trò đầu tàu trong lĩnh vực du lịch Thủ đô
Tạo bước đột phá để du lịch thực sự là mũi nhọn kinh tế
Báo cáo với đoàn kiểm tra, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, trung tâm đã cụ thể hoá thành 1 Nghị quyết, 4 chương trình công tác, 5 nhóm kế hoạch để thực hiện.
Đến nay, các chỉ tiêu Trung tâm đề ra đều đã hoàn thành, tốc độ thu ngân sách trung bình 25 - 29% so với năm trước và tỷ trọng khách du lịch quốc tế trung bình đạt trên 30%/năm.
Năm 2016, lượng khách đến Hoàng Thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa là gần 400 nghìn lượt; đến năm 2018 đạt 620 nghìn lượt và ước đến năm 2020 sẽ đạt 970 nghìn lượt. Tổng thu từ khách du lịch năm 2016 đạt 6,23 tỷ đồng; ước cả năm 2019 đạt trên 12 tỷ đồng...
Ngoài ra, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới mạnh mẽ, nhất là chương trình giáo dục di sản; qua đó góp phần tích cực trong việc giới thiệu và giáo dục các giá trị lịch sử của di sản đến với thế hệ trẻ Thủ đô. Các hoạt động văn hoá thường niên thu hút đông giới trẻ tham gia. Trung tâm cũng đã khôi phục được các nghi lễ truyền thống trong dịp lễ, Tết được các nhà khoa học và báo chí đánh giá cao về giá trị…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, Hoàng Thành Thăng Long là di tích có giá trị vô cùng quan trọng không chỉ với Thủ đô mà còn trong chiều dài phát triển lịch sử dân tộc. Đây là nơi giao thoa giữa các nền văn hoá và ngày nay là sản phẩm du lịch chất lượng cao của Thủ đô.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU tại Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, việc phát triển chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có của di tích. Cụ thể, Trung tâm chưa có sản phẩm du lịch chất lượng cao, chưa thu hút được khách nội địa; các dự án, công trình được phê duyệt trong di tích triển khai còn chậm…
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu giá trị hai di sản Cổ Loa và Hoàng Thành; nâng cao trình độ, nhận thức về giá trị di sản trong đội ngũ cán bộ; nâng cao chất lượng công tác thuyết minh, tuyên truyền qua việc liên kết với các đơn vị lữ hành.
Bên cạnh đó, Trung tâm cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thực hiện việc giáo dục di sản; Liên kết với các cơ quan, đơn vị, bổ sung thêm các tài liệu, phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá và phục dựng các công trình trong khu di tích…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý, Trung tâm cần đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tôn tạo di sản, nhất việc bàn giao di tích, hiện vật và chú trọng quản lý di tích. Đối với các dự án đã được phê duyệt cần quan tâm tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, trong tổ chức bộ máy, Trung tâm cần thực hiện kiện toàn tổ chức theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu quả và tiến tới thực hiện hoạt động theo cơ chế tự chủ; nâng cao chất lượng hoạt động, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên …