Tăng cường đại đoàn kết dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Tích cực phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong Nhân dân Lan toả và phát huy sức mạnh đại đoàn kết tới toàn dân Phấn khởi hòa cùng không khí Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc |
Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hiền Vinh/ TTXVN. |
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học trao đổi, thảo luận, nhận diện những vấn đề mới về dân tộc của nước ta hiện nay, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển và hải đảo; đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề mới về dân tộc đến phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng ở vùng dân tộc thiểu số, của quốc gia.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung phân tích và làm rõ các nguyên nhân tác động, dự báo xu hướng mới, qua đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách dân tộc; giải quyết tốt hơn các vấn đề dân tộc ở nước ta; góp phần phát triển bền vững các tộc người; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh đổi mới, hội nhập quốc tế.
Các chuyên gia, nhà khoa học tham gia hội thảo |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Trong lịch sử phát triển của đất nước ta, các dân tộc và vấn đề dân tộc luôn giữ vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng và Nhà nước luôn nhất quán nguyên tắc: "Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc".
Nguyên tắc này được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước gắn với chính sách cụ thể ở một số tộc người, địa phương và trên cả nước qua các thời kỳ lịch sử. Điều đó thể hiện ý nghĩa to lớn, sâu sắc trong giải quyết các vấn đề về dân tộc, phát huy nguồn lực của các dân tộc, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần quan trọng thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Hiền Vinh/TTXVN. |
Trong quá trình đổi mới đất nước, tình hình kinh tế - xã hội của nước ta và ở vùng dân tộc thiểu số có nhiều bước phát triển, chính trị xã hội ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Quyền và lợi ích chính đáng của người dân các dân tộc được đảm bảo.
Đời sống văn hóa, xã hội của người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ đói nghèo giảm, chất lượng giáo dục, đời sống được nâng lên. Công tác nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, chính sách dân tộc nói riêng từng bước được hoàn thiện.
Các em học sinh và cô giáo trong trang phục truyền thống của dân tộc Ơ Đu. (Ảnh: Báo Dân tộc) |
Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trên thế giới, từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay, vấn đề dân tộc, tôn giáo trở thành “điểm nóng” ở nhiều nơi, nhất là những quốc gia, vùng lãnh thổ có đặc điểm đa dân tộc, đa tôn giáo, đa biên giới.
Mâu thuẫn và xung đột tộc người, phong trào tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa dân tộc hẹp hỏi, tư tưởng tự trị, ly khai nổi lên với xu hướng lan rộng dưới nhiều hình thức, cách thức khác nhau. Cùng với đó, dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, phức tạp.
Các thế lực thù địch ra sức chống phá trên lĩnh vực dân tộc, tôn giáo... Những yếu tố này đã tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến các tộc người và vấn đề dân tộc ở nước ta.
Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, kịp thời giải quyết: Sự phân hóa xã hội, chênh lệch khoảng cách phát triển, nhất là mức độ giàu nghèo giữa các vùng miền, giữa các dân tộc. Ô nhiễm môi trường sống, không gian sinh tồn của người dân và cộng đồng dần bị thu hẹp; kinh tế ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển còn chậm, thiếu bền vững; tình trạng mai một bản sắc văn hóa dân tộc; công tác phát huy giá trị văn hóa dân tộc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...
Tiếp nối thành công của những hội nghị trước, năm nay, Ban Tổ chức nhận được 120 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương trên cả nước quan tâm đến các vấn đề dân tộc, tộc người, công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Các báo cáo tham luận đã đề cập đến những vấn đề mới và lý thú trên nhiều lĩnh vực từ các góc độ tiếp cận khác nhau.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học cũng đã trao đổi các nội dung liên quan về: Thách thức và cơ hội đối với các tộc người thiểu số vùng biên giới phía Bắc; quan điểm, cách nhìn và thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số rất ít người Brâu ở vùng biên giới tỉnh Kon Tum; thảo luận về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế đối với dân tộc thiểu số rất ít người Ơ - đu tỉnh Nghệ An...