Tăng chế tài xử lý hành vi mạo danh người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm trá hình
Không phải chuyện hiếm, chuyện mới
Những ngày qua, thông tin nghệ sĩ Quyền Linh quảng bá một loại thực phẩm chức năng "chữa tận gốc bệnh tiểu đường"gây chú ý với nhiều khán giả. Nhiều người cho rằng công dụng của sản phẩm bị quảng bá lố. Trên trang cá nhân, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện nghiên cứu ung thư quốc gia City of Hope, California, Mỹ) nhận định các thông tin này "nguy hiểm vì không đúng sự thật", "không có bất cứ chứng nhận của bất kỳ tổ chức Y tế nào đảm bảo tác dụng điều trị bệnh tiểu đường của nó".
Nghệ sĩ Quyền Linh khẳng định, không quảng cáo cho loại thực phẩm chức năng này |
Thông tin với báo chí tối 16/2, nghệ sĩ Quyền Linh cho biết, không quảng cáo cho loại thực phẩm chức năng này. Nghệ sĩ cho rằng những người thực hiện video quảng cáo đã lấy hình ảnh, tiếng nói từ phần quảng cáo khác của anh trước đây - cũng liên quan bệnh tiểu đường, rồi chọn các đoạn quan trọng để nối lại thành video lồng ghép cho sản phẩm của họ.
"Tôi từng nhiều lần bị gán ghép như vậy, khiến uy tín chịu ảnh hưởng nặng nề. Thủ thuật ghép hình ảnh của các cá nhân này rất tinh vi. Tôi vẫn đang thu thập mọi bằng chứng liên quan để nhờ pháp luật xử lý", nghệ sĩ cho biết.
Không lâu trước đó, nghệ sĩ Mạnh Cường cũng bị cắt ghép hình ảnh, lồng giọng vào video quảng cáo thực phẩm chức năng nói trên. "Thậm chí, tôi biết còn một số quảng cáo khác cũng lấy hình ảnh của tôi như thế. Không chỉ tôi mà nhiều nghệ sĩ rơi vào tình trạng này. Biết vậy nhưng tôi không làm gì được", nghệ sĩ Mạnh Cường nói.
Tháng 12/2022, nghệ sĩ Lệ Thủy cũng bị ghép giọng của một người khác trên hơn 10 kênh YouTube nhằm mục đích ca ngợi tịnh thất Bồng Lai.
Thấy bất bình nhưng không biết kêu ai
Dư luận đã than phiền rất nhiều về chuyện các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thuốc không đúng sự thực. Dư luận cũng “kêu trời” vì bị các nhà xản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng tự ý dùng hình ảnh nghệ sĩ, bác sĩ (thường là nổi tiếng) để đánh lừa người xem. Chính những người bị lợi dụng hình ảnh cũng cảm thấy bất bình nhưng không biết kêu ai.
Một trong nhiều quảng cáo mạo danh Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 |
Đáng nói, các quảng cáo thổi phồng tác dụng sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng thường của những nơi có địa chỉ không rõ ràng, hoặc chưa được cấp phép quảng cáo, lại “chiếm sóng” trên hầu hết các trang mạng xã hội. Điều này sẽ đánh lừa được những người nhẹ dạ, cả tin bỏ tiền ra mua thuốc uống và tiền mất, tật mang.
Mới đây trên trang cá nhân, BS Nguyễn Lân Hiếu cho biết: “Giáo sư Nguyễn Lân Việt đã nhiều lần khẳng định bị cắt ghép hình ảnh quảng cáo loại thuốc uống điều trị dứt điểm bệnh tăng huyết áp. Vậy nhưng mấy ngày nay, tôi luôn nhận được tin nhắn hỏi về vấn đề này, nguy hiểm hơn là ngay cả các bác sĩ cũng “bán tín bán nghi”.
Hiện việc cắt ghép hình ảnh quảng cáo để đánh lừa người tiêu dùng rất phổ biến. Hình thức của việc quảng cáo cũng rất nhiều: quảng cáo trên các web, truyền hình, báo chí, facebook và các nền tảng mạng xã hội khác. Do đó, việc kiểm soát hoạt động này gây nhiều khó khăn cho các nhà quản lý.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng đã cắt ghép hình ảnh thầy thuốc, nghệ sĩ, ca sĩ đánh lừa người tiêu dùng. Nhiều chiêu trò khiến người dùng hiểu nhầm về công dụng sản phẩm, thậm chí nhầm thực phẩm chức năng là thuốc chữa bệnh. Theo đơn vị này, các chiêu trò ngày càng tinh vi, dễ khiến người dùng mắc bẫy.
Thực tế, pháp luật đã quy định rõ ràng về mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo mạo danh người nổi tiếng. Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng khi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý. Đối với cùng một hành vi vi phạm, mức phạt tiền của tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Biện pháp khắc phục hậu quả lúc này là buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.
Còn tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Tuy nhiên, chia sẻ với báo chí, ông Lê Cao Sĩ - chuyên viên Phòng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết các mạng xã hội nước ngoài đều chưa có đại diện pháp lý tại Việt Nam. Cơ quan thường phải làm việc qua Bộ Thông Tin và Truyền thông để đề nghị các nhà mạng thắt chặt. Tuy nhiên, với trường hợp đăng tin giả, đơn vị chỉ phạt hành chính, khó xử lý hình sự. Thanh tra Sở thường phải tìm chủ tài khoản để mời làm việc hoặc liên lạc với YouTube để xóa kênh.
Vì vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng cần thận trong và tìm hiểu thật kỹ thông tin sản phẩm trước khi quyết định mua sử dụng như nguồn gốc xuất xứ, các giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng của cơ quan chuyên môn... để tránh “tiền mất, tật mang”.