Tại sao di sản thế giới Lenggong bị lãng quên?
Thác Lata Kekabu, một trong nhiều điểm tham quan tự nhiên của thung lũng Lenggong |
Lãng quên Lenggong
Đã 10 năm kể từ khi thị trấn ở bang Perak được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Thế giới nhờ các địa điểm khảo cổ thì cũng chừng ấy thời gian Lenggong bị lãng quên. Ông Ng Hock Sen, chủ sở hữu khách sạn 4 tầng Soon Lee, tòa nhà cao nhất nơi đây, cho biết: “Người nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy một di sản của UNESCO lại kém phát triển đến vậy”.
Là ủy viên Hội đồng thị trấn từ năm 2013 - 2017, ông Ng đã vận động trong nhiều năm để quảng bá Lenggong. Ông cũng thường đưa du khách đi tham quan bằng ô tô riêng của mình vì nơi đây thiếu phương tiện đi lại.
Đường phố ở Lenggong lúc bình minh |
“Tôi đã từng rơi vào hoàn cảnh như nhiều du khách đang gặp. Năm 2015, tôi đến Lenggong mà không tìm thấy bảng chỉ dẫn hay thông tin du lịch nào. Ông Ng tiếp cận tôi trên đường phố của thị trấn và khẳng định muốn đưa đi chiêm ngưỡng mọi thứ đáng xem. Tôi đã đến thăm thị trấn nhiều lần kể từ đó nhưng bất chấp những nỗ lực không ngừng của ông Ng và nhiều người khác, thung lũng Lenggong vẫn chưa tận dụng được danh xưng của UNESCO và rất có thể sẽ bị thu hồi”, anh Adrian Abu Bakar, người đã chuyển đến Lenggong từ Kuala Lumpur vài năm trước cho biết.
Những người phụ trách thị trấn đưa ra các sáng kiến không phù hợp với nhu cầu thực tế của du khách. Anh Adrian đưa ra một vài ví dụ: Các ki-ốt bán đồ lưu niệm và hàng hóa địa phương được xây dựng khắp thung lũng Lenggong nhưng vẫn bỏ trống nhiều năm. Hàng trăm trạm dừng xe buýt đã được dựng lên cho một dịch vụ chưa từng ra mắt.
Con đường trơn trượt, khó di chuyển giữa các di tích ở Lenggong |
Là cư dân và chủ khách sạn ở thung lũng Lenggong, anh Nasir Jalaludin khẳng định, cơ sở hạ tầng rất cần thiết để phát triển du lịch. Tuy nhiên, những hạ tầng cơ bản như vùng phủ sóng dữ liệu di động tốt hơn, khả năng tiếp cận bằng phương tiện giao thông công cộng và cung cấp đủ chỗ ở chất lượng tốt cho khách nghỉ qua đêm… lại không được chính quyền địa phương chú trọng xây dựng. Các nhà khai thác du lịch đánh giá, Lenggong có một số tiềm năng rất tốt trong khu vực nhưng lại bị “bao vây” bởi những trở ngại rất bình thường.
Bên cạnh đó, Lenggong dường như đã bỏ lỡ một cơ hội tự quảng bá khác trong thời gian gần đây. Tháng 12/2021, thung lũng này được tuyên bố là công viên địa chất quốc gia Malaysia. Nhiều biển báo mới đã được lắp đặt tại các địa điểm quan trọng và “Bản đồ khám phá Lenggong” dành cho du khách đã được sản xuất, lắp đặt bằng tiếng Malay. Tuy nhiên, nơi này vẫn nhận được quá ít sự quan tâm quảng bá để thu hút nhiều du khách hơn.
Một ngư dân đánh bắt cá trên hồ Chenderoh |
Bí ẩn Perak Man
Thị trấn Lenggong được bao bọc bởi hai dãy núi hùng vĩ Titiwangsa ở phía Đông và Bintang thấp hơn ở phía Tây. Thung lung Lenggong hình thành bởi một vụ nổ do thiên thạch rơi xuống cách đây 1,83 triệu năm. Lenggong có 4 địa điểm khảo cổ chính trong hai cụm ở phía Bắc và Tây Nam, trải dài gần 2 triệu năm lịch sử với các di tích văn hóa từ thời đại đồ đá cũ, đồ đá mới và đồ đồng. Đây là dấu tích minh chứng cho một trong những khu định cư lâu đời nhất của loài người.
Cụm phía Tây Nam bao gồm các địa điểm như Bukit Bunuh. Đó là một hố va chạm thiên thạch rộng 3,45km và ngày nay là đồn điền dầu cọ. Tại đây, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích của một số rìu tay cổ.
Nơi khai quật khảo cổ học ở Gua Gunung Runtuh tìm thấy bộ xương 10.000 năm tuổi của Perak Man vào năm 1990 |
Các hang động trong cụm khảo cổ phía Bắc Lenggong bao gồm Gua Gunung Runtuh, nơi phát hiện Perak Man bộ xương người đàn ông cổ và hoàn chỉnh nhất từng được phát hiện ở Đông Nam Á (có niên đại hơn 10.000 năm) cùng hang động chôn cất Gua Harimau, nơi tìm thấy 13 bộ xương khác.
Sinh ra với một dị tật bẩm sinh hiếm gặp khiến xương sống ngắn và có góc cạnh bất thường ở các chi, Perak Man được tìm thấy trong tư thế bào thai, xung quanh là hàng trăm vỏ sò và các đồ tạo tác khác. Điều này khiến các nhà khảo cổ học cho rằng Perak Man được tôn thờ như một pháp sư tàn tật.
Lối vào Bảo tàng Khảo cổ học Lenggong, nơi lưu giữ Perak Man |
Sau đó, bộ xương người Perak Man được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Malaysia ở Kuala Lumpur. Tháng 10/2013, Perak Man đã được trả lại thị trấn và trở thành trung tâm ở Bảo tàng Khảo cổ học Lenggong tại Kota Tampan, cách thị trấn Lenggong 8km, cạnh một xưởng đá cổ.
Tuy nhiên, để nhìn thấy Perak Man chưa bao giờ là một nhiệm vụ dễ dàng đối với du khách vì không có phương tiện giao thông công cộng đến bảo tàng. Bảo tàng đặc biệt này một lần nữa bị đóng cửa để cải tạo, mặc dù nó chỉ mở cửa trở lại trong một thời gian ngắn sau khi "nâng cấp" vào năm 2020.
Châm ngòi bùng nổ du lịch?
Từ những năm 1990, các nhà nghiên cứu đã xác định được hơn 60 địa điểm khảo cổ tiềm năng trong thung lũng Lenggong. Các hang động và di chỉ khảo cổ hiếm khi được chính quyền tu bổ nâng cấp do thiếu nguồn tài trợ. Những con đường gỗ, lối mòn trơn trượt xuyên qua rừng rậm rất khó đi; Các hang động không có ánh sáng, biển báo bên trong mục nát và xung quanh cây cối um tùm… khiến du khách hầu như không thể tiếp cận.
Những tảng đá suevite cực kỳ hiếm và cổ nằm rải rác xung quanh Bukit Bunuh |
Một số người dân đã có quá trình sống hoặc làm việc trong lĩnh vực du lịch thì có cái nhìn khả quan hơn về di sản đặc biệt này. Anh Nasir Jalaludin trở về thung lũng Lenggong sinh sống sau khi làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực khách sạn cho biết: “Các cơ quan liên quan phải làm việc cùng nhau để thúc đẩy sự phát triển vùng di sản. Trong đó, cơ sở hạ tầng viễn thông, hệ thống giao thông công cộng, khách sạn… phải được đầu tư xây dựng đồng bộ”.
Tháng 5/2019, anh Nasir đã khai trương khách sạn Rumah Tiang 16 kiểu nhà Malay truyền thống được xây bằng gỗ vùng nhiệt đới. Đây là khu boutique đầu tiên và duy nhất ở Lenggong. Đồng thời, anh lên kế hoạch cung cấp dịch vụ tham quan các địa điểm khảo cổ; Trải nghiệm văn hóa và ẩm thực trong làng Patani Malay; Đi thuyền ngắm hoàng hôn trên hồ Chenderoh ở phía Nam thị trấn…
Anh Nasir Jalaludin trước lối vào Gua Puteri |
Anh Nasir cho biết: “Rumah Tiang 16 nhận được những phản hồi rất đáng khích lệ từ du khách. Họ đã trở thành những người quảng bá sống động nhất về Lenggong”.
Trong một hy vọng mới, tháng 4 vừa qua, công ty tư vấn Think City có trụ sở tại Penang đã đưa ra chương trình tài trợ xúc tiến kinh tế - văn hóa với quỹ phát triển 10 triệu ringgit (khoảng 2,2 triệu USD) để tập trung bảo vệ di sản Lenggong cùng hai thị trấn khác ở phía Bắc Perak là Kuala Kangsar và Taiping.
Giám đốc điều hành của Think City, Hamdan Abdul Majeed, cho biết: “Chúng tôi tin tưởng các khoản đầu tư vào di sản khảo cổ sẽ thu hút du khách. Đây sẽ là tia lửa châm ngòi sự bùng nổ du lịch Lenggong không xa”.