Sống xanh để sống sâu, sống khỏe hơn
Hà Nội chú trọng đào tạo học sinh có lối sống xanh, bảo vệ môi trường |
Người dân cần hạn chế thói quen sử dụng túi nilon khi đi mua hàng hóa (Ảnh: Việt Anh) |
Hạn chế rác thải nhựa là cách mà nhiều gia đình thực hiện để vì cuộc sống xanh hiện nay. Thay vì gói ghém thực phẩm bằng nhiều túi nilon, các chị em đã nhờ cửa hàng sơ chế, rửa sạch, cho vào túi giấy hoặc hộp đựng thực phẩm để mang về nhà.
Ban đầu thì thấy hơi kích rích nhưng đa phần khi mọi người kiên trì thực hiện thì thấy tác dụng to lớn của việc này. Trước đây, mỗi khi nghe tiếng kẻng gõ đổ rác, có khi phải túi đầy, túi vơi, hai tay xách không hết rác thì bây giờ, phân chia, hạn chế, loại bỏ bớt túi nilon, việc đổ rác trở nên nhàn hơn, bởi đa phần chỉ là rác tự hủy.
Với nhiều gia đình, rác thải còn đổ trực tiếp vào những chiếc xô, thùng để sau đó tập trung ra xe rác. Với những thứ buộc phải cho vào trong túi, người dân sử dụng túi sinh học tự hủy hoặc các vật liệu từ thiên nhiên như rổ rá, nan tre, vải dệt từ sợi tự nhiên…
Khi đi mua sắm tại nhiều nơi, những người phụ nữ trong gia đình thường hướng dẫn con cái chọn những chiếc bị cói, bị đay. Đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, được làm từ thiên nhiên, vừa tạo điều kiện cho hàng thủ công phát triển, vừa tái sử dụng được nhiều lần lại hạn chế túi nilon. Chỉ một thay đổi nhỏ nhưng mang đến nhiều lợi ích cho môi trường, cho cuộc sống.
Trong khi đó, các vật liệu gần gũi với thiên nhiên như lá bàng, lá sen, mo cau, lá chuối… được người dân sáng tạo để làm bát đĩa, đồ dùng cũng được người tiêu dùng vô cùng hưởng ứng. Điều đó cho thấy, sức sáng tạo của con người là vô biên. Cả mấy nghìn năm trước cha ông chúng ta sống dựa vào thiên nhiên, biết nương thiên nhiên mà phục vụ cuộc sống của mình. Mấy chục năm trở lại đây chúng ta mới quay lưng lại với những gì có sẵn trong tự nhiên và đã lĩnh nhận ngay hậu quả.
Một thói quen được người dân dần hình thành, đó là việc hạn chế các phương tiện di chuyển cá nhân, thay bằng phương tiện công cộng. Để thúc đẩy lối sống xanh, hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường đồng thời giảm ùn tắc giao thông, giảm áp lực tham gia giao thông cho người dân, các phương tiện công cộng, đặc biệt là phương tiện sử dụng năng lượng xanh đang được đưa vào phục vụ ngày càng nhiều.
Lựa chọn các phương tiện này, chính là chính mỗi người chúng ta cũng đang góp phần xanh hóa cuộc sống của mình và những người xung quanh. Ngồi trên xe công cộng, mỗi người vừa được thư giãn, giao tiếp xã hội, giảm thời gian điều khiển phương tiện cá nhân, không hít phải khói bụi, thậm chí có thể thư giãn, nghe nhạc, đọc sách…
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội, sản lượng vận tải hành khách công cộng 4 tháng đầu năm 2022 đạt tên 48 triệu lượt. Cụ thể, lượng khách đi xe buýt, đường sắt đô thị trong 4 tháng qua đạt 48,1 triệu lượt. Trong đó, xe buýt đạt 46,1 triệu lượt, đường sắt đô thị 2A đạt 1,9 triệu lượt.
Xe buýt sử dụng điện (Ảnh: Việt Anh) |
Lượng hành khách đi xe buýt liên tục tăng lên qua các tháng, đặc biệt là khách đi lại thường xuyên (khách vé tháng). Thống kê cho thấy, sản lượng tem vé tháng tháng 4 tăng 68,6% so với tháng 3.2022. Trước đó, lượng tem vé tháng tháng 3 tăng 33,2% so với tháng 2.2022.
Lộ trình thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải đối với giao thông đô thị mang đến nhiều tin vui cho việc đảm bảo môi trường, giảm ô nhiễm khí thải. Căn cứ theo quy định tại Điều 1 Quyết định 876/QĐ-TTg năm 2022 quy định về lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị như sau: Giao thông đô thị Giai đoạn 2022 - 2030:
Từ năm 2025: 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại Hà Nội đạt 45% - 50%; Thành phố Hồ Chí Minh đạt 25%; Đà Nẵng đạt 25% - 35%; Cần Thơ đạt 20%; Hải Phòng đạt 10% - 15%; đô thị loại I đạt ít nhất 5%.
Từ năm 2030: Tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050: 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh.
Tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng tại các đô thị đặc biệt, đô thị loại I lần lượt đạt ít nhất 40% và 10%.
Điều đó cho thấy, trong thời gian tới, những người yêu thích và lan tỏa nhịp sống xanh có thể thoải mái sử dụng các phương tiện vận tải công cộng để di chuyển tới nhiều nơi hơn. Bên cạnh đó, sự phát triển của các phương tiện công cộng cũng cho người sử dụng niềm tin, cảm nhận hết được ý nghĩa của việc thay đổi lối sống, vì chất lượng cuộc sống của mình và mọi người trong thành phố.