TTTĐ - Lễ hội truyền thống chùa Láng được tổ chức thường niên vào các ngày 6,7,8 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Năm nay sau 70 năm, Lễ hội chùa Láng được khôi phục lại đầy đủ các nghi thức cổ truyền độc đáo trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam… Bên cạnh phần lễ, phần hội có rất nhiều trò chơi dân gian, đặc biệt là trò chơi thổi cơm thi diễn ra chiều 8 tháng 3 Âm lịch (27/4) đã thu hút đông đảo người dân, du khách sôi nổi tham gia, cổ vũ.
|
Mỗi lượt của trò chơi thổi cơm thi có 4 người tham gia vừa đi, vừa múa tạo nét độc đáo của Lễ hội truyền thống chùa Láng |
Mỗi lượt của phần thổi cơm thi có bốn người phụ nữ hoặc cả nam lẫn nữ tham gia. Những người dự thi sẽ mặc những chiếc áo màu sặc sỡ, thắt lưng xanh đỏ. Mỗi người một chiếc đòn gánh, một đầu đòn buộc chiếc bếp kiềng kê niêu đất mới, không vết nhọ, bên trong đổ hơn nắm gạo và nước. Một đầu buộc vào dải thắt lưng để giữ thế cân bằng. Theo các cụ có kinh nghiệm, muốn cơm dẻo thơm thì phải dùng gạo tám xoan, bắc hương.
Sau khi có lệnh của trọng tài, các chị, các cô tiến hành vo gạo đổ vào niêu đất rồi lấy củi bắc bếp nhóm lửa. Khi lửa cháy đều, những người phụ nữ bắt đầu đặt niêu lên bếp và gánh đi vòng quanh lầu Bát Giác ở giữa sân chùa Láng trong tiếng trống ngũ liên thúc giục, tiếng hò reo cổ vũ của đông đảo người dân tham dự lễ hội.
|
Dù phiêu trong điệu múa nhưng vẫn phải giữ lửa đều để cơm chín trong thời gian quy định của ban tổ chức |
Cái độc đáo của trò thổi cơm thi ở Lễ hội chùa Láng đó là người dự thi vừa đi, vừa lắc người, vừa múa, đồng thời vẫn phải giữ cân bằng cho niêu cơm không đổ, tiếp củi lửa cho đều để cơm chín, thơm dẻo, không bị sống hoặc cháy khê trong một khoảng thời gian được Ban tổ chức quy định. Sau khi hết thời gian thi, bốn người đem niêu cơm về bàn giám khảo để chấm điểm.
|
Cụ cao tuổi trong làng được phân công đánh trống theo nhịp ngũ liên thúc giục các thí sinh nỗ lực thi đấu |
|
Các cổ động viên tham gia hỗ trợ tiếp củi giúp thí sinh khi đi vòng quanh lầu Bát Giác |
Người nào đoạt giải nhất sẽ được mang niêu cơm mình vừa nấu dâng lên lễ Thánh. Giải thưởng của hội thổi cơm thi làng Láng không hề cao, chỉ mang tính tượng trưng, song không vì vậy mà người dự thi và người đi xem mất đi sự hào hứng, náo nhiệt.
Chiều cùng ngày, Ban tổ chức lễ hội chùa Láng còn tổ chức cuộc thi “Bịt mắt bắt dê”. Để tăng độ khó trong khuôn viên sân chùa, Ban tổ chức đã thay bắt dê bằng bắt lợn, đem lại sự hào hứng vui thích cho đông đảo người dân và du khách thập phương.
|
Các thí sinh vừa đi vừa phải giữ lửa đều |
|
Phần thổi cơm thi thu hút rất đông người dân, du khách thích thú tham dự |
|
Khán giả hò reo, múa theo người tham gia trò chơi thổi cơm thi để cổ vũ tinh thần |
|
Niêu cơm được chọn để trao giải phải đầy đủ yếu tố: không có cháy, róc xuống tận đấy nồi, hạt cơm trắng tơi nhưng phải thật mịn đồng thời nồi cơm không được có vết khói lửa |
|
Ban Giám khảo và người dự thi không được ăn thử để chấm điểm mà phải dùng tay kiểm tra hạt cơm |
|
Người thắng trong mỗi lượt thi sẽ được vinh dự mang niêu cơm của mình vừa nấu chín dân lên lễ Thánh |
Trước đó, ngày 25/4 (tức mùng 6 tháng 3 Âm lịch), Nhân dân các làng xưa là Láng Thượng, Láng Trung, Láng Hạ và An Hoà (phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy) đã thực hành nghi thức dâng hương hoa lễ vật tại chùa Tam Huyền (phố Thượng Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân), nơi thờ Đức Thánh Phụ - cha của thiền sư Từ Đạo Hạnh; tổ chức lễ khao thỉnh, bao sái, lễ xuất cung rước kiệu Đức Thánh Láng và kiệu Tứ trấn ra ngự tại lầu Bát Giác.
|
Nghi thức “độ hà” rước kiệu lội sông và “đấu thần”, hội trận độc đáo được phục dựng lại sau 70 năm |
Ngày 26/4 (mùng 7 tháng 3 âm lịch) là ngày chính hội với nghi thức rước kiệu Thánh - Vua Lý Thần Tông từ chùa Láng tới nhiều điểm di tích dọc sông Tô Lịch, qua chùa Nền, chùa Hoa Lăng với các nghi thức “độ hà” rước kiệu lội sông và “đấu thần”, hội trận độc đáo trong kho tàng lễ hội cổ truyền Việt Nam.
Tại mỗi điểm di tích đoàn rước kiệu đi qua đều gắn với truyền thuyết về cuộc đời Đức Thánh Láng. Nhân dân hai bên đường bày lễ vật thực hiện các hoạt động tín ngưỡng khác nhau để mừng hội Láng. Đó cũng là sự gắn kết sâu sắc giữa các cộng đồng dân cư, góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chùa Láng, nơi Đệ nhất Tùng lâm phía Tây kinh thành Thăng Long xưa, chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, tạo dựng nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Chùa Láng tên chữ là “Chiêu Thiền Tự” được xây dựng thời Vua Lý Anh Tông (thế kỷ 12) thờ Phật và thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh, hiện thân của Ngài là vua Lý Trần Tông. Ngôi chùa cổ là 1 trong 12 di tích tiêu biểu của Thủ đô được xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên của cả nước vào năm 1962. |