Sinh viên tăng tốc làm thêm trước thềm năm mới
170 học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô được tuyên dương khen thưởng Sôi động, hấp dẫn chuỗi sự kiện chào tân sinh viên kinh tế “Nhật ký 20” chào đón tân sinh viên với những bản nhạc ngọt ngào |
“Đừng để bị “ném” ra ngoài đời với đầy bỡ ngỡ”
Công việc làm thêm pha chế tại quán trà sữa đã dần trở nên quen thuộc với Bùi Quang Duy (sinh viên ngành Công nghệ Thông tin, trường Hà Nội Aptech).
Đi làm từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, trải qua nhiều biến cố Duy vẫn cố gắng bám trụ với công việc này. Phần vì cậu yêu nghề, phần vì nỗi lo trang trải cuộc sống hằng ngày.
Quang Duy dành thêm thời gian làm việc tại quán trà sữa khi Tết đang cận kề |
Để phụ giúp bố mẹ ở quê nhà, Duy dành 8 tiếng mỗi ngày để đứng quầy pha chế tại một quá trà sữa. Mức lương tuy còn khá thấp, chỉ 17.000 đồng/giờ nhưng đã giúp cậu trang trải cuộc sống. Với Duy, số tiền ấy đã giúp bố mẹ giảm được phần lớn gánh nặng.
Làm thêm mất nhiều thời gian, mọi công việc học tập đều dành vào buổi sáng và đêm khi đã đi làm về. Duy tâm sự: “Dù đi làm thêm vất vả, khó khăn và tốn nhiều thời gian nhưng mình vẫn duy trì công việc này. Đồng thời, mình phải tự cân bằng thời gian để đảm bảo việc học tập”.
Yêu thích công việc pha chế, Duy cũng mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm, trau dồi tay nghề để sau này có thể là nghề tay trái hoặc thậm chí trở thành nghề chính nếu không bén duyên với ngành IT.
Công việc đã khiến Duy trở nên mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều. Khi được làm việc trong môi trường trẻ trung, năng động, bạn trẻ này cũng đã học được rất nhiều bài học, chủ động hơn trong cuộc sống. “Mình không muốn chỉ có học và học để sau này bị “ném” ra ngoài đời khi còn bỡ ngỡ, khờ khạo”, Duy chia sẻ thêm.
Tết Nguyên đán cận kề cũng là lúc Duy phải “tăng tốc”, đăng kí làm nhiều hơn để có khoản tiền tiêu, mua quà cho gia đình. Từ 8 tiếng rồi có ngày cuối tuần lên đến 12 tiếng, dù vất vả nhưng Duy luôn cố gắng để cùng gia đình có một cái Tết đầy đủ.
“Lên dây cót” đón Tết
Với Nguyễn Thúy Hiền (sinh viên năm thứ 4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền), cô nàng đã chọn cho mình công việc marketing cho một công ty chuyên về tuyển dụng nhân sự tại phố Duy Tân. Công việc có phần liên quan đến ngành học hiện tại khi cô được viết lách, sáng tạo nội dung.
Chọn công việc này, Thúy Hiền cũng mong muốn được học hỏi thêm kinh nghiệm, mở rộng các mối quan hệ. Công việc đó giúp Hiền chủ động hơn trong vấn đề kinh tế, đủ để trang trải cuộc sống mà không cần xin thêm bố mẹ.
Công việc đã mang lại những cái Tết ý nghĩa cho Thúy Hiền |
Hiền nói: “Mình nghĩ không chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán mà quanh năm, sinh viên cũng nên sắp xếp thời gian đi làm thêm. Không chỉ có thu nhập, công việc làm thêm ở mỗi môi trường lại cho chúng ta nhiều bài học, rèn rũa những kỹ năng sống cần thiết”.
Đi làm thêm ngay từ khi còn đi học giúp cô nàng làm quen với môi trường công sở chuyên nghiệp. Chỉ còn nửa năm nữa là ra trường, Hiền sẽ đỡ bỡ ngỡ hơn.
Dịp cuối năm, việc ngày càng nhiều nhưng bản thân Hiền đã “lên dây cót” chuẩn bị cho một cái Tết ý nghĩa. Theo Hiền, mỗi năm về nhà ăn Tết, có những món quà nhỏ cho gia đình đều là ước muốn của nhiều sinh viên đi làm thêm.
“Mỗi lần Tết đến mình lại thấy bố mẹ rất lo lắng. Từ khi lên Hà Nội học, mình đều cố gắng đi làm kiếm tiền để phụ giúp gia đình, nhất là vào dịp này”, Thúy Hiền tâm sự.
Hai trường hợp của Quang Duy và Thúy Hiền đều rất phổ biến trong sinh viên hiện nay, đặc biệt là vào dịp cận Tết. Trên các trang, hội, nhóm mạng xã hội tuyển dụng cũng xuất hiện rất nhiều bài đăng tìm kiếm sinh viên làm thời vụ. Đi làm phục vụ Tết Nguyên đán là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ thay vì bỏ phí thời gian cho mạng xã hội hay các thú vui vô bổ khác.
Tưng bừng đêm “Gala chào tân sinh viên 2020” trường ĐH Điện lực |