Sách Tiếng Việt lớp 1 bị phụ huynh phản ánh dạy trẻ thói lừa lọc, gian dối
Ra mắt cuốn sách "Khám phá quốc kì trên thế giới" Cuốn sách ảnh gợi nhớ về hình ảnh Hà Nội xưa qua những gánh hàng rong và tiếng rao |
Bài tập đọc trong sách giáo khoa lớp 1 bộ Cánh Diều bị phản ứng vì dạy trẻ lười biếng, gian dối |
Trên nhiều diễn đàn làm cha mẹ, các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh chia sẻ rộng rãi những câu chuyện ngụ ngôn trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều. Đa số các ý kiến cho rằng, nội dung trong các câu chuyện không phù hợp với trẻ lớp 1. Đặc biệt là việc sách sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch dạy trẻ những thói hư, tật xấu.
Chẳng hạn, phần tập đọc bài 88 là bài “Hai con ngựa”, nói về ngựa tía biếng nhác còn ngựa ô chăm chỉ. Khi thấy ngựa ô "làm hùng hục", ngựa tía nói: "Chủ mà giục em làm, em sẽ trốn". Sau khi nghe ngựa tía nói, ngựa ô đáp lại: “Có lí lắm”. Bài đọc này bị phản ứng, cho rằng dạy học sinh lớp 1 thói xấu lười biếng.
Không chỉ vậy, sách còn có nhiều từ mới, gây khó hiểu |
Không chỉ dạy thói xấu, cuốn sách cũng bị phản ứng vì có nhiều từ mới, lạ, gây khó hiểu. Có con học lớp 1, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (ở Hà Nội) cho biết: “Trong bài số 31 (môn Tiếng Việt) khi học sinh học đến vần “ua, ưa” thì sách có đưa vào dạy các chữ có chứa vần này, trong đó có chữ “dưa đỏ”.
Theo tôi, đây là một từ dùng không chính xác, vì từ đúng của loại quả này phải là “dưa hấu đỏ” hoặc chỉ gọi là "dưa hấu" chứ không ai dùng từ "dưa đỏ". Tương tự, ở bài số 33, bài đọc “Thỏ thua rùa” có viết: “Thỏ nghĩ rùa sẽ thua. Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ”. Vậy từ “nhá” ở đây nghĩa là gì?”.
Để có thể giải nghĩa cho con hiểu chính xác các từ ngữ này, chị Hoa đã phải tra từ điển, lên mạng tìm kiếm thông tin. Theo đó, từ điển viết “nhá” có nghĩa là nhai kỹ cho giập, cho nát (thường vật dai, cứng, khó ăn).
Tuy nhiên, chị Hoa cho rằng, nếu người lớn còn chưa hiểu được nghĩa của từ này mà phải tra từ điển thì đem dạy cho học sinh lớp 1 liệu có phù hợp? Với trẻ lớp 1 vừa làm quen với con chữ làm sao chúng hiểu được?
Phụ huynh chia sẻ mong muốn những người biên soạn sách tiếp thu ý kiến để có sự chỉnh sửa phù hợp |
Chị Nguyễn Hồng Loan (30 tuổi, ở Hà Nội) chia sẻ đã "rất sốc" khi xem sách của con. Chưa bàn đến vấn đề học nặng hay nhẹ, chị Loan cho rằng những câu chuyện trong sách "vô cùng có vấn đề". Các mẩu chuyện như “Cua, cò và đàn cá”, “Hai con ngựa” dạy trẻ "lừa lọc, lười biếng".
“Ở lứa tuổi nhạy cảm, đang khám phá thế giới và hình thành các thói quen, những nội dung trong sách nếu không chuẩn mực sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến tính cách của trẻ. Tôi không hiểu mục đích giáo dục của cuốn sách này hướng đến là gì khi dạy trẻ sự gian dối như vậy?”, chị Loan nói.
Bà mẹ này cho rằng từ ngữ trong sách không phải từ phổ thông chuẩn mà dùng từ địa phương, nhiều từ vô nghĩa. Ví dụ "con quạ kêu quà quà?". Con ngựa thở "hí hóp". Thay vì nói "không lo gì, không có gì", sách dạy "chả lo gì, chả có gì".
Nhiều phụ huynh khác có con đang học bộ Cánh Diều cũng bày tỏ sự lo lắng và hi vọng ban soạn thảo sách tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa nội dung cho phù hợp hoặc có phương án để không ảnh hưởng đến việc học của trẻ.