Rau Ba Chữ và hành trình khẳng định thương hiệu
Rau Ba Chữ đạt chứng nhận OCOP 3 sao |
Sản xuất rau an toàn
Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ, cho biết, được thành lập từ năm 2016 (theo Luật hợp tác xã năm 2012), hiện hợp tác xã có gần 200 thành viên, hoạt động theo mô hình vừa sản xuất vừa kinh doanh. Hợp tác xã có tổng diện tích gioi trồng 35 ha, trong đó 32ha sản xuất quanh năm, 21ha đủ điều kiện sản xuất rau an toàn và cung cấp khoảng 40 loại rau, củ, quả cho các công ty, trường học, chung cư, siêu thị trên địa bàn thành phố.
Rau của hợp tác xã được trồng theo tiêu chuẩn Vietgap. Các ruộng rau đều được gắn biển, trên đó có ghi rõ họ tên chủ hộ, ngày trồng và dòng chữ “An toàn từ ruộng, truy xuất tới hộ”.
“Mỗi thành viên trong hợp tác xã đều có một quyển nhật ký đồng ruộng, rong đó, ghi rõ ngày trồng, thời gian cách ly và thu hoạch của ruộng rau đó. Nguyên tắc này được chúng tôi áp dụng kể từ khi hợp tác xã làm điểm mô hình trồng rau sạch theo quy trình PGS (Participatory Guarantee System - Hệ thống bảo đảm cùng tham gia) do Cục bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai”, chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ cho biết.
Đây là hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của cả các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ. Theo đó, những loại rau được xuất cho đơn vị thu mua, đều được hợp tác xã giữ lại mẫu và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu xảy ra vấn đề về an toàn thực phẩm.
Chình điều này đã khẳng định được thương hiệu của rau Ba Chữ, tạo niềm tin với đơn vị cũng như người tiêu dùng. Với tổng diện tích trên 35 ha sản xuất rau an toàn và rau hữu cơ chất lượng cao, sản phẩm của hợp tác xã cung cấp cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng và hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội.
Thành viên Hợp tác xã Ba Chữ thu hoạch rau |
Nâng cao giá trị thương hiệu
Để nâng cao uy tín với người tiêu dùng, hợp tác xã cũng đã xây dựng thương hiệu và dán nhãn QR code cho các sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và truy xuất được nguồn gốc.
Vì vậy, có thời kỳ, lượng hàng giao dịch của hợp tác xã lên đến gần chục tấn/ngày, thời điểm thấp nhất cũng đạt 5 đến 6 tấn/ngày. Theo Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ, để duy trì thu nhập cho xã viên đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, hợp tác xã tăng cường tuyên truyền để xã viên tuân thủ quy trình sản xuất thực phẩm an toàn.
Tính đến thời điểm hiện tại, Hợp tác xã Ba Chữ đã áp dụng biện pháp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, có mã chống hàng giả giúp người tiêu dùng yên tâm về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm.
Không chỉ hướng đến những sản phẩm an toàn, Hợp tác xã Ba Chữ còn mạnh dạn đăng ký sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của thành phố Hà Nội. Trong đó, năm 2019, mặt hàng rau cải xanh (cải canh, cải ngồng) được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao. Đầu năm 2020 sản phẩm cải chíp, mùng tơi của hợp tác xã tiếp tục được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.
Các sản phẩm của hợp tác xã được dán nhãn QR code để truy xuất nguồn gốc |
Chị Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Hợp tác xã Ba Chữ cho biết: “Các sản phẩm của hợp tác xã đạt chứng nhận OCOP của thành phố Hà Nội không chỉ khẳng định thêm uy tín của rau Ba Chữ mà còn tạo niềm tin, sự vững tâm của bà con xã viên. Đây cũng là cơ sở để nâng cao đời sống của các thành viên trong hợp tác xã”.
Cũng theo chị Huyền, chương trình OCOP tại các địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực; gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị và là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Vì vậy, hợp tác xã đang nỗ lực để tiếp tục đưa các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao.
Hiện các thành viên trong Hợp tác xã Ba Chữ đã lên kế hoạch xây dựng vùng rau hữu cơ, sinh học có diện tích 5-10ha chuyên canh các sản phẩm chủ lực. Với việc canh tác theo hướng hữu cơ, hợp tác xã sẽ mang đến nhiều sản phẩm chất lượng hơn phục vụ người tiêu dùng, đồng thời nâng cao giá trị của cây rau.