Ra mắt sách về sức khỏe tâm lí cho bạn trẻ
Cuốn sách "Cẩn trọng cái đầu" mang đến đến những thông tin khoa học và nhận thức hữu ích về các vấn đề sức khỏe tâm thần cho người trẻ
Bài liên quan
Phát động cuộc thi ảnh "Mái ấm gia đình Việt" nhân ngày Gia đình Việt Nam
Tường Linh run khi đóng vai phản diện trong phim ngắn về ấu dâm của Xuân Nghị
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy vẽ tranh tường tại Pháp
Nhà hát Tuổi Trẻ mang "Giấc mơ của nàng tiên cá" vào Nam
“Cẩn trọng cái đầu” (Tựa gốc: Mind your head) là cuốn sách bán chạy của nữ tác giả Juno Dawson và Tiến sĩ tâm lí học lâm sàng người Anh Olivia Hewitt. Sách được chuyển ngữ bởi các thành viên sáng lập trang thông tin Beautiful Mind Vietnam - Dự án phi lợi nhuận ra đời từ năm 2015 với mục tiêu chia sẻ các kiến thức về tâm lí học lâm sàng, sức khỏe tâm lí, các rối loạn về tâm thần cũng như các phương pháp điều trị cho cộng đồng.
“Hãy cởi mở nhìn nhận các vấn đề sức khỏe tâm thần như đúng tầm quan trọng của nó” là thông điệp xuyên suốt mà Juno Dawson và Tiến sĩ Olivia Hewitt muốn truyền tải qua cuốn sách của mình.
Lo lắng, tức giận, mệt mỏi hay xúc động… là những tín hiệu “cảnh báo” cho thấy sức khỏe tinh thần của bạn đang gặp trục trặc, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến các chứng rối loạn tâm lí phức tạp khác. Tuy nhiên, dường như chính chúng ta lại “bỏ quên”, có đánh giá không đúng hoặc e ngại khi nói đến chủ đề này.
"Hằng năm mỗi người trong số chúng ta đều trải nghiệm vài vấn đề sức khỏe tâm thần nào đó. Trong mười hai tháng vừa qua, người nào trong chúng ta có thể nói rằng mình chưa từng bị stress, buồn, lo âu, giận dữ, mệt mỏi hay xúc động? Tôi xin lỗi, nhưng nếu bạn nói là không, thì tôi nghĩ rằng bạn đang nói xạo."
“Cẩn trọng cái đầu” đã chỉ ra những quan niệm lầm lạc hoặc nhận thức chưa đầy đủ của cộng đồng về các vấn đề sức khỏe tâm lí, như: đánh đồng “rối loạn tâm lí” với tự tử hoặc giết người hàng loạt; kì thị hoặc đổ lỗi cho những người đang mắc phải các chứng bệnh tâm lí; chủ quan, coi thường các biểu hiện căng thẳng tâm lí của bản thân; sử dụng đồ uống có cồn, chất kích thích để đối phó tạm thời với các triệu chứng tâm lí bất ổn…
Có một lằn ranh mỏng manh giữa những phản ứng tâm lí thường gặp (lo sợ, bồn chồn, bối rối…) với những triệu chứng tâm lí trầm trọng, kéo dài, thực sự ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn – chúng đều cần và có thể được chữa trị. Nhóm tác giả của “Cẩn trọng cái đầu” tin rằng dù bạn có đang gặp phải các rối loạn tâm thần hay không thì việc hiểu về chúng cũng sẽ giúp bạn chuẩn bị và đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Như một cuốn cẩm nang gần gũi và đầy tinh thần chia sẻ, cuốn sách này sẽ cùng người đọc bước vào hành trình thay đổi những hiểu biết còn mơ hồ về các chủ đề lớn trong khoa học sức khỏe tâm thần, đó là: Áp lực, Lo âu, Chứng trầm cảm, Mặc cảm ngoại hình, Các dạng rối loạn nhân cách, Tự hại, các Chứng nghiện...
Bắt đầu từ việc hiểu về các hóa chất trong não bộ và hoạt động của chúng, người đọc có thể hình dung được phần nào những tác động của bộ não tới các chứng bệnh tâm lí, cũng như cách để thay đổi những ảnh hưởng ấy dựa trên việc xây dựng một lối sống lành mạnh, với chế độ ăn, sử dụng thuốc men và tập thể dục khoa học.
Lấy ví dụ: Hội chứng ruột kích thích (IBS) được xếp vào dạng “rối loạn tâm-thể”, là khi những rối loạn thể chất xảy ra do có sự tác động của các yếu tố tâm lí. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các triệu chứng của Trầm cảm có nguyên nhân do nồng độ serotonin trong não quá thấp - có thể là những thông tin mà không phải ai cũng biết.
Mọi triệu chứng tâm lí đều có thể được phân loại, đánh giá một cách rõ ràng qua các dấu hiệu cụ thể về hành vi, thể chất, cảm xúc và nhận thức. Dù chúng xuất hiện dưới nhiều dạng thức, môi trường, trong các giai đoạn khác nhau của quá trình trưởng thành (học tập, đi làm)/ khi con người đứng trước những bước ngoặt lớn (giai đoạn dậy thì/ khi phải đối diện với sự đổ vỡ, mất mát, chia li)/ trong các mối quan hệ bạn bè, tình yêu, xã hội và cả xu hướng tính dục (đặc biệt đối với cộng đồng LGBTQ).
Không chỉ đưa ra những lí giải về mặt khoa học, sách còn phân tích những trường hợp, nhân vật cụ thể, có thật với những trải nghiệm rối loạn tâm lí điển hình. Từ đó cung cấp nhiều thông tin hữu ích về các vấn đề tâm lí trong xã hội hiện đại: Bắt nạt, Hội chứng ám ảnh, các cấp độ Trầm cảm, các chứng biếng ăn tâm thần, rối loạn Bản dạng giới...
Cuốn sách là nguồn hỗ trợ thông tin đáng tin cậy dành cho bất cứ ai đang gặp khó khăn với vấn đề sức khỏe tâm lí của bản thân, những bạn trẻ và cả các bậc phụ huynh đang lo lắng tìm phương pháp giúp con em mình vượt qua các vấn đề tâm lí trên ngưỡng cửa trưởng thành.
Theo Juno Dawson và Tiến sĩ Olivia Hewitt, những can thiệp kịp thời và đúng đắn có thể giúp người đang gặp phải các rối loạn tâm lí nhanh chóng vượt qua khó khăn. Việc phổ biến những kiến thức cơ bản về sức khỏe tâm thần tới cộng đồng chắc chắn sẽ giúp rút ngắn hơn nữa quá trình này.
"Tất cả chúng ta đều có khả năng bị kẹt trong tình trạng này, nhưng chúng ta cũng hoàn toàn có khả năng để thoát ra.” Bệnh tâm lí là một lĩnh vực phức tạp, và mỗi người lại có những trải nghiệm cá nhân không giống nhau, lời khuyên của các tác giả “Cẩn trọng cái đầu” là người đọc không nên tự chẩn đoán để chữa trị cho mình mà hãy tìm kiếm những nguồn hỗ trợ đáng tin cậy.
Tuy nhiên, người giữ vai trò chính trong “cuộc chiến” với các vấn đề về tâm lí vẫn là bản thân mỗi người. Cuốn sách cung cấp nhiều mục thông tin hữu ích về các phương pháp chữa lành và những nguồn hỗ trợ (chuyên và không chuyên) để người đọc có thể tìm đến nếu đang gặp khó khăn với vấn đề sức khỏe tâm lí của bản thân.
“Hãy cẩn trọng, hãy nói chuyện và chia sẻ, ăn ngủ đủ, và đừng bao giờ ngại tìm kiếm sự giúp đỡ. Con người mà, ai cũng cần được giúp đỡ hết!” - Juno Dawson.
“Cẩn trọng cái đầu” sẽ khiến bạn suy nghĩ và cảm nhận, không chỉ về vấn đề sức khỏe tâm lí và tâm thần của bản thân, mà còn về những khó khăn trong cuộc sống mà những người khác có lúc phải trải qua.