Quốc hội chốt giảm 27/37 thủ tục trong phòng cháy, chữa cháy
Quốc hội có tân Tổng Thư ký Chân dung tân Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng |
Sáng 29/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hình thức biểu quyết điện tử.
Kết quả biểu quyết cho thấy, có 448/450 đại biểu tán thành (đạt tỷ lệ 93,53% tổng số đại biểu Quốc hội). Như vậy, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trước khi biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc Lê Tấn Tới đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo Chủ nhiệm Lê Tấn Tới, ngày 1/11, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật và xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Các đại biểu tại phiên họp |
Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải trình, tiếp thu và đã được thể hiện đầy đủ, toàn diện trong dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Chủ nhiệm Quốc Lê Tấn Tới cho biết, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội về thực hiện các giải pháp đổi mới trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, bảo đảm các quy định rõ ràng, thực chất, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, không trùng lặp với nội dung đã được quy định trong các luật khác.
Đồng thời không quy định chung chung, quy định những nội dung đúng thẩm quyền của Quốc hội, bám sát thực tiễn, bảo đảm tính khả thi; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực thực thi; triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ |
Theo đó, dự thảo luật đã cắt giảm được 27 thủ tục hành chính, từ 37 thủ tục hành chính hiện hành xuống còn 10 thủ tục hành chính), giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp; không quy định trong luật những nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ mà giao Chính phủ, các Bộ quy định theo thẩm quyền để linh hoạt, kịp thời sửa đổi, bổ sung khi cần thiết, tạo thuận lợi cho việc phân cấp phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Về nguồn tài chính và ngân sách Nhà nước bảo đảm cho hoạt động PCCC và CNCH (Điều 49 và Điều 50), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình phải chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình theo quy định của pháp luật và giao Chính phủ quy định mức phí cụ thể trong từng trường hợp.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác chữa cháy là một nội dung trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, được nhà nước bảo đảm ngân sách thực hiện đối với các lực lượng theo quy định của pháp luật (khoản 3 và khoản 4 Điều 50 của dự thảo Luật).
Khi xảy ra cháy, nổ thì cơ quan, tổ chức, gia đình đã phải chịu thiệt hại nhất định về người và tài sản, nếu bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình đó phải chịu một phần kinh phí khi lực lượng PCCC và CNCH thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình sẽ gia tăng khó khăn cho người dân sau khi đã bị thiệt hại về người, tài sản trong vụ cháy.
Vì vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật về an ninh, trật tự và thể hiện tính nhân văn trong quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định cơ quan, tổ chức, gia đình chịu một phần kinh phí về công tác chữa cháy khi lực lượng PCCC và CNCH thực hiện chữa cháy cho cơ quan, tổ chức, gia đình của mình.