Quảng Ngãi: Thêm nhiều cán bộ bị tố cáo trong vụ thi hành án dân sự tại Đức Phổ
Thửa đất và tài sản gắn liền liên quan đến vụ việc. (Ảnh: Xuân Thọ) |
Trước đó, Chấp hành viên Đỗ Văn Lực của Chi cục THADS thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã bị tố cáo với hành vi tương tự. Sau khi có đơn tố cáo, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo THADS tỉnh Quảng Ngãi, đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu tạm dừng thi hành án vào ngày 4/12/2020.
Đến ngày 7/12/2020, Chi cục THADS thị xã Đức Phổ có văn bản Thông báo về việc tạm dừng cưỡng chế thi hành án đối với ông Trí và bà Mạnh. Điều bất ngờ là, người ra văn bản tạm dừng cưỡng chế thi hành án cũng chính là… Chấp hành viên Đỗ Văn Lực!
Bất thường hồ sơ mua bán đấu giá
Người bị tố cáo tiếp theo liên quan đến vụ việc này là Đấu giá viên Cao Thị Ngọc Đạo của Công ty Đấu giá hợp danh Gia Lai - Kon Tum chi nhánh Quảng Ngãi. Theo tìm hiểu của phóng viên, bà Đạo là người đại diện của chi nhánh công ty này tại Quảng Ngãi. Và hồ sơ trích lục đấu giá có nhiều bất thường, trình tự bán đấu giá rất sơ sài.
“Ngày 8/12/2020, gia đình chúng tôi tiếp tục yêu cầu công ty bán đấu giá cung cấp một số thông tin biên bản xác nhận, hình ảnh niêm yết thông báo bán đấu giá tại UBND phường Phổ Thạnh. Tuy nhiên, lần này công ty đấu giá vẫn không đáp ứng được các yêu cầu trên”, ông Phúc cho biết.
Thời gian trên Phiếu thu mua hồ sơ là ngày 13/8/2018, có trước ngày làm Đơn đăng ký mua tài sản đấu giá là 11/8/208, điều này đi ngược với quy chế của công ty đấu giá. (Ảnh: Xuân Thọ) |
Ông Phúc cũng chỉ ra thêm điều lạ lùng: “Bà Đạo đã tổ chức bán đấu giá thành công với 3 lần đấu, với giá trúng là 2,2 tỷ đồng, trong khi giá thị trường dao động từ 6 - 7 tỷ đồng. Danh sách tham gia đấu giá chỉ vỏn vẹn hai người là ông Huỳnh Minh Quang và bà Nguyễn Thị Nở, vừa đủ số lượng người để tiến hành đấu giá”. Đặc biệt chi tiết sai giống nhau trên Đơn đăng ký mua tài sản đấu giá và Phiếu thu tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá.
Theo quy chế đấu giá tài sản ngày 16/7/2018 do Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh Gia Lai - Kon Tum tại Quảng Ngãi ban hành, thì người tham gia đấu giá tài sản phải nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Nghĩa là người tham gia đấu giá phải mua hồ sơ trước mới có mẫu đơn để đăng ký, như vậy, Đơn đăng ký phải có sau đơn mua hồ sơ. Nhưng hồ sơ cho thấy, thời gian trên Đơn đăng ký mua tài sản là ngày 11/8/2018, trong khi Phiếu thu mua hồ sơ là ghi ngày 13/8/2018. Tức việc mua hồ sơ đấu giá chậm hơn 2 ngày so với Đơn đăng ký tham gia đấu giá.
“Điều này ngược với quy chế của công ty đấu giá. Công ty đấu giá phải có trách nhiệm rà soát, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ không hợp lệ thì người tham gia không đủ điều kiên, tư cách tham gia đấu giá. Việc cả hai hồ sơ không hợp lệ, chi tiết sai giống nhau nhưng vẫn tổ chức bán đấu giá là dấu hiệu thông đồng, móc nối với người tham gia đấu giá để dìm giá tài sản”, ông Phúc trình bày trong đơn.
Chi nhánh Công ty Đấu giá hợp danh Gia Lai - Kon Tum chi nhánh Quảng Ngãi. (Ảnh: Xuân Thọ) |
Hơn nữa, theo đơn tố cáo, nét chữ Đơn đăng ký tham gia đấu giá, Phiếu trả giá, Giấy nộp tiền đặt cọc của những người tham gia là ông Huỳnh Minh Quang và bà Nguyễn Thị Nở đều là của một người; thời điểm nộp tiền đặt cọc vào ngân hàng như trùng khớp nhau, chỉ cách nhau 100 giây và cùng một giao dịch viên ký nhận.
“Điều đó càng chứng minh rõ dấu hiệu thông đồng, móc nối trong việc tổ chức bán, mua đấu giá tài sản của gia đình chúng tôi”, ông Phúc nhấn mạnh. Từ đó, ông Phúc đề nghị cơ quan chức năng giám định nét chữ và chữ ký của ông Minh Quang và bà Nở trong tất cả hồ sơ đấu giá. Mọi chi phí giám định gia đình ông phúc sẽ chịu trách nhiệm thanh toán.
Giám đốc phòng giao dịch ngân hàng cũng bị tố giác
Trong danh sách cán bộ bị “tố” có dấu hiệu vi phạm về Quy định về hoạt động đấu giá tài sản, lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản còn có ông Nguyễn Đăng Minh, Giám đốc PGD Ngân hàng TMCP Đông Á Đức Phổ.
Theo hồ sơ vụ việc, ngày 11/7/2014, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Thị Mạnh ký hợp đồng vay vốn số K0885/1 với Ngân hàng TMCP Đông Á (Đông Á Bank) phòng giao dịch Đức Phổ số tiền 500 triệu đồng để nuôi trồng thủy sản. Thời gian vay là 12 tháng, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của thửa đất số 408, tờ bản đồ số 27, diện tích là 714m2, do vợ chồng ông Nguyễn Tuôi và Phạm Thị Hường đứng tên chủ sở hữu. Ông Trí là con ruột của ông Tuôi, bà Hường, và là em ruột của ông Phúc - người đứng đơn tố cáo.
Cuối năm 2015, khi thủy sản của vợ chồng ông Trí, bà Mạnh sắp đến ngày thu hoạch thì bị bão lũ làm chết hết. Nên đến tháng 3/2018, đã làm đơn xác nhận thiên tai, UBND phường Phổ Thạnh xác nhận, đã gửi đến Đông Á Bank và Chi cục THADS thị xã Đức Phổ.
Trong thời gian vay, vợ chồng ông Trí trả tiền lãi đúng, đủ theo kỳ hẹn hàng tháng với ngân hàng. Khi hết hạn hợp đồng, xin vay lại để tiếp tục nuôi trồng thủy sản nhưng không được ngâng hàng đồng ý. Vì còn nợ, nên vợ chồng ông Trí, bà Mạnh bị ngân hàng khởi kiện ra tòa và bị TAND thị xã Đức Phổ buộc phải trả tiền gốc đến ngày 8/4/2017 là 500 triệu đồng, lãi là hơn 164 triệu đồng, tổng nợ gốc và lãi phải trả là hơn 664 triệu đồng cho Đông Á Bank.
Từ ngày 14/12/2017 đến ngày 5/4/2018, gia đình ông Trí, bà Mạnh có 4 lần nộp tiền với tổng số tiền là 580 triệu đồng, trong đó có 500 triệu đồng tiền gốc, 80 triệu đồng tiền lãi. Khi còn thiếu hơn 84 triệu đồng tiền lãi và tiền lãi phát sinh, thì tài sản thế chấp bị tiến hành cưỡng chế, tổ chức bán đấu giá.
Ông Tuôi buồn rầu vì sự việc. (Ảnh: Xuân Thọ) |
Gia đình ông Trí cho rằng, theo bảng tính nợ lãi, đến thời điểm ngày 27/3/2018 của PGD Đông Á Bank tại Đức Phổ được lập biểu ngày 22/8/2018, thì với số tiền còn thiếu hơn 84 triệu đồng của ông Trí, bà Mạnh, ngân hàng có cần đến việc kê biên, phát mại tài sản thế chấp đề thu hồi nợ?
“Xuyên suốt quá trình kê biên, định giá tài sản thế chấp, để thi hành án ngân hàng có được biết, theo dõi không?. Ngân hàng có độc lập hoặc thuê đơn vị định giá tài sản để đối chiếu không? So với trước đó, khi tài sản được thế chấp ngày 10/7/2014 thì có biến động lớn về giá trị không?”, ông Phúc đặt hàng loạt câu hỏi.
Nhằm xác minh, làm rõ các vấn đề trong đơn tố cáo, chúng tôi đã liên lạc đề nghị làm việc với Đông Á Bank chi nhánh Quảng Ngãi. Người đại diện chi nhánh ngân hàng này đề nghị làm công văn kèm nội dung, để tiện sắp xếp làm việc, “nhưng có khả năng là sẽ trả lời bằng văn bản”. Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đáp ứng lời đề nghị trên, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ ngân hàng này.
Trong khi đó, ngày 28/12/2020, chúng tôi đã đến Công ty Đấu giá hợp danh Gia lai - Kon Tum chi nhánh Quảng Ngãi để làm việc. Tuy nhiên, nhân viên công ty nói rằng lãnh đạo đi vắng, yêu cầu phóng viên để lại nội dung làm việc và sẽ báo cáo lãnh đạo, phản hồi sau. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ trả lời nào từ phía công ty đấu giá này.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.