Quản lý tài xế xe công nghệ cần phải đưa vào luật
Quản lý tài xế xe công nghệ cần phải đưa vào luật
Bài liên quan
Chuyện nghề của những xe ôm công nghệ
Đã bắt được 2 nghi phạm sát hại tài xế xe ôm Grab, cướp xe máy ở quận Bắc Từ Liêm
Cảnh sát ra thông báo truy tìm 2 nghi phạm cùng chiếc xe máy của nạn nhân xe ôm Grab bị sát hại
Dán tờ rơi truy tìm hai nghi phạm sát hại nam sinh 18 tuổi chạy xe ôm Grab
Bộ GTVT cần có giải pháp quản lý tài xế xe công nghệ |
"Cuộc chiến" khốc liệt
Việc quản lý tài xế xe công nghệ đến nay vẫn chưa được đưa vào luật. Trong khi đó, tình trạng tài xế xe công nghệ mặc đồng phục của các hãng Grab, Go-Viet… ngày càng ồ ạt dẫn đến cạnh tranh, giành giật khách tại bến xe, trên các con phố của Hà Nội diễn ra khốc liệt. Nhiều tài xế xe công nghệ, sẵn sàng vi phạm giao thông, thậm chí bỏ qua sự an toàn tính mạng để chở khách, chỉ vì mặc cả được tiền công cao.
Câu chuyện của nam sinh viên năm thứ nhất trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội bị sát hại trong lúc chở khách đến hôm nay vẫn đề lại trong dư luận xã hội nhiều nuối tiếc. Có người vẫn xuýt xoa nói rằng, giá như... Giá như khi phát hiện khách không an toàn em đừng chở; giá như em đừng tiếc tiền công cao thì mọi việc đã khác. "Có nói gì bây giờ cũng đã muộn, vì em đã mất. Em biết khách không an toàn những vẫn cố chở, chỉ vì mặc cả được tiền công cao. Giá như…”, chị Nguyễn Nguyệt Hà (phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) chia sẻ.
Thực tế, tài xế xe công nghệ đa dạng theo độ tuổi, nghề nghiệp. Họ có thể là sinh viên, công nhân, thậm chí cả những người lớn tuổi. Nhìn vào những lái xe công nghệ, người ta thường nghĩ đến mức thu nhập khá, công việc dễ dàng, không phải mất công tìm khách nhưng có tìm hiểu mới biết.
Theo quan sát của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại cổng bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), không khó để bắt gặp hình ảnh mỗi khi có chiếc xe khách nào dừng trả khách, hàng chục tài xế xe công nghệ như: GrabBike, Go–Viet và cả xe ôm truyền thống ào đến tranh giành khách.
Còn tại cổng bến xe Giáp Bát, bất chấp biển cấm mọi phương tiện dừng đón, trả khách của lực lượng chức năng, bỏ qua ứng dụng, nhiều tài xế xe công nghệ níu kéo, mặc cả trực tiếp mỗi khi có khách bước ra từ trong bến. Đã có nhiều tiếng cãi vã, chửi bới, bực dọc, thậm chí xô xát tại đây khi tài xế không bắt được khách và bị tài xế khác “cướp mất” khách.
Trên các tuyến đường Giải Phóng, Trường Chinh, Phạm Hùng... người qua đường thường xuyên bắt gặp không ít tài xế sẵn sàng vi phạm giao thông, chạy lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ để kịp giờ đón khách. Theo số liệu của Grab, tính từ khi GrabBike hoạt động đến nay đã xảy ra hơn 130 vụ xô xát giữa xe ôm truyền thống và các tài xế công nghệ.
Bên cạnh việc xô xát giữa các tài xế xe công nghệ, câu chuyện của những hãng xe cũng không kém phần căng thẳng. Để giành giật khách hàng, khi bước vào thị trường, Go-Viet tung ra những khuyến mại rất sốc cho khách hàng. Với chính sách khuyến mại 5.000 đồng/cuốc dưới 8km, Go-Viet đã hút một lượng lớn khách hàng và lôi kéo được lực lượng đối tác tài xế khá đông đảo.
Cần có đề án bài bản
Ông Nadiem Makarim, Tổng giám đốc của Go-Jek cho biết, chỉ sau hơn một tháng có mặt tại Việt Nam, Go-Viet đã chiếm 35% thị phần xe ôm công nghệ tại TP HCM. Trong khi đó, Grab tung nhiều khuyến mại với nhiều mã giảm tới 25.000 đồng/chuyến để giữ đối tác và khách.
Trong khi tài xế xe ôm công nghệ ồ ạt ra đời, giữa các hãng xe công nghệ cũng cạnh tranh gay gắt với nhau nhưng Bộ GTVT vẫn chưa có một cơ chế quản lý cụ thể nào dành cho loại hình vận tải này.
GS. TS. Từ Sỹ Sùa, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội nhìn nhận, số lượng tài xế xe ôm công nghệ như: GrabBike, Go-Viet đã lên đến cả trăm nghìn người nhưng việc quản lý nhân sự trong loại hình lao động lại rất lỏng lẻo. Tài xế không phải đăng ký kinh doanh, nhiều người không có lý lịch tư pháp như: Bằng lái, đăng ký xe.
“Số xe máy tham gia kinh doanh vận tải có hàng trăm nghìn chiếc nhưng lại không có cơ sở pháp lý để yêu cầu họ đóng thuế do không thể thành lập doanh nghiệp xe ôm. Chưa kể, giữa lái xe và doanh nghiệp cung cấp ứng dụng hầu như không có ràng buộc nào vì tài xế công nghệ là cá nhân tự do không bị ai quản lý. Việc yêu cầu đơn vị cung cấp phần mềm như: Grab, Go-Viet kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý cũng sẽ rất khó do xe máy ở Việt Nam số lượng lớn không chính chủ”, GS.TS. Sùa nói.
Thực tế, kinh nghiệm từ Thái Lan cho thấy, lái xe ôm phải đăng ký kinh doanh, phải mặc đồng phục và có hai biển số ở trước và sau. Ở Việt Nam lái xe ôm đã quen với tự do, bây giờ vào khuôn khổ phải có lộ trình, giải pháp đồng bộ, từng bước giáo dục, tuyên truyền.
“Cần có đề án bài bản để quản lý con người, thuế, điều kiện kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp cung cấp ứng dụng. Ví dụ như: Việc quản lý và thu thuế đối với phương tiện có sức chở nhỏ như thế nào, trách nhiệm của người cung cấp ứng dụng lái xe đóng thuế cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đóng thuế cho Nhà nước”, ông Sùa nói.
TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia Giao thông đô thị của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cho rằng: "Tại nhiều nước quy định Grab phải quản lý luôn cả người lái xe. Nhất thiết phải có sự điều chỉnh về mặt quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp này. Cụ thể, trong Nghị định 86 sửa đổi đang được xây dựng cần đưa ra quy định quản lý Grab như một doanh nghiệp vận tải hành khách, không chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ.
Theo tôi, về mặt quản lý Nhà nước cần tìm cách yêu cầu doanh nghiệp phải quản lý toàn bộ nhân sự và chịu trách nhiệm đến cùng khi lái xe của họ vi phạm”, ông Đức nói.
Trao đổi với báo chí, đại diện Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, đối với xe hai, ba bánh thì phân cấp cho địa phương quản lý. Riêng với lái xe công nghệ, cần điều kiện kinh doanh hay không phải theo Luật Đầu tư quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu như loại hình này là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ GTVT mới quy định được điều kiện. Việc quản lý về con người và số lượng xe cũng phải nghiên cứu kỹ.
Trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình, Vụ Vận tải sẽ triển khai nghiên cứu giải pháp, rà soát lại để quản lý loại hình này về điều kiện kinh doanh và thuế. Bộ GTVT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng là tài xế công nghệ. Chúng ta quy định làm sao phải đảm bảo về mặt quản lý nhà nước nhưng phải tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ này. Bởi vì, đa số họ đều là người lao động có thu nhập thấp. Không những tăng cường quản lý mà sẽ nghiên cứu đưa vào luật khi sửa Luật giao thông đường bộ.
Chỉ đạo tại Hội nghị Toàn quốc trực tuyến về ATGT 9 tháng đầu năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Công an cần có điều tra, nghiên cứu, bảo đảm điều kiện an ninh trật tự, ATGT nhằm hạn chế những tác động tiêu cực về trật tự an toàn của loại hình xe ôm công nghệ.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án dài hạn về bảo đảm trật tự ATGT, trong đó sớm nghiên cứu bổ sung quy định về dịch vụ vận tải bằng mô tô, xe gắn máy, trong đó có quản lý tài xế xe công nghệ.