Phương án cứu nguy người lao động khi đột ngột mất việc
Rút BHXH một lần, người lao động tự tước đi quyền lợi được an hưởng tuổi già TTTĐ - Vì nhiều lý do khác nhau mà người lao động lựa chọn rút BHXH một lần, với nhiều người, số tiền đó có ... |
Hiện nay, dù dịch COVID-19 đã lùi xa nhưng do còn những dư âm dịch bệnh vẫn còn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc thu nhỏ quy mô hoạt động. Trước thực tế này, chính sách ưu việt của BHTN đã giúp nhiều người có hoàn cảnh như chị Nguyễn Quỳnh Anh được hưởng những quyền lợi như nhận trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn việc làm để sớm tìm được công việc mới.
Giúp ổn định cuộc sống khi mất việc
Trước khi dịch bệnh xảy ra, chị Nguyễn Quỳnh Anh làm việc trong một công ty dịch vụ du lịch với mức lương khá ổn định. Nhưng khi COVID-19 bùng phát, công ty phải ngừng hoạt động, chị Quỳnh Anh từ một người có thu nhập khá bỗng mất việc làm khiến cả gia đình gặp khó khăn.
BHTN giúp người lao động ổn định lúc khó khăn do mất việc đột ngột |
Trong thời gian chưa tìm được công việc mới, chị trang trải cuộc sống bằng tiền trợ cấp từ BHTN. Bên cạnh đó, để thay đổi công việc, chị Quỳnh Anh còn được hỗ trợ học nghề để chuyển sang phục vụ bàn và phòng cho khách sạn. Có hoàn cảnh tương tự, anh Trần Duy Khánh (phường Sài Đồng, quận Long Biên) cho rằng: “BHTN là công cụ hỗ trợ người lao động khi chưa tìm được việc làm. Do đó, bất cứ người lao động hay người sử dụng lao động nào cũng nên biết đến chế độ chính sách ưu việt này để bảo vệ quyền lợi cho bản thân và cho doanh nghiệp mình”.
Theo quy định, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng đầy đủ bốn chế độ gồm: trợ cấp thất nghiệp; tư vấn giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề đối với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ đủ chín tháng trở lên; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp để bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động.
Phải nói rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn, khủng hoảng toàn cầu và ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt..., người lao động (NLĐ) rất dễ đối mặt với nhiều rủi ro về việc làm. Nên, khi rơi vào tình cảnh này, BHTN không chỉ trao cho NLĐ “con cá”, mà còn cung cấp “cần câu” để NLĐ đảm bảo an sinh, nhất là ngăn chặn tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng đến thị trường lao động khi được bù đắp một phần thu nhập trong thời gian thất nghiệp.
Quan trọng hơn, BHTN có các biện pháp để hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm mới, được hưởng bảo hiểm y tế...
Xây dựng nhiều cơ chế, chính sách tạo việc làm
Anh Trần Văn Tính ở thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: “Khi cầm quyết định nghỉ việc tôi vô cùng lo lắng. Mình đang là trụ cột trong nhà mà giờ không có thu nhập nên thực sự hoảng loạn. Tuy nhiên, khi đến trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp tôi đã phần nào yên tâm vì vừa nhận được chế độ bảo hiểm, vừa được nhân viên tư vấn để tiếp tục tìm việc làm mới”.
Có thể thấy, chính sách bảo hiểm thất nghiệp không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ người lao động về thu nhập, kỹ năng khi bị thất nghiệp để mau chóng tìm được việc làm mới mà quan trọng hơn là phải duy trì việc làm, phòng tránh thất nghiệp cho người lao động…
Vì vậy, khi nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất; Nhiều người lao động mất việc làm ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống thì bảo hiểm thất nghiệp đã thực sự phát huy vai trò, tính ưu việt của mình.
Thời gian qua, việc chấp hành các quy định pháp luật về BHXH được các doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động né tránh không tham gia đóng BHXH cho người lao động, nhất là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chưa kể, do ảnh hưởng COVID-19, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến không ít doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, tỷ lệ doanh nghiệp chưa đóng BHXH và nợ BHXH có xu hướng tăng cao.
Có thể nói, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ có vai trò là “phao cứu sinh” của người lao động khi họ gặp khó khăn, mà còn là “công cụ” quản trị thị trường lao động. Do đó, việc xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn liền, đồng bộ với giải pháp bảo đảm việc làm bền vững đang là yêu cầu bức thiết, cấp bách.
Vì vậy, ngoài ý thức, trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần sớm kết nối, đồng bộ cơ sở dữ liệu với cơ quan Bảo hiểm xã hội để thuận tiện trong việc thực hiện giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, theo dõi đối tượng hưởng, ngăn chặn kịp thời về việc lạm dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đồng thời cần tìm kiếm, tạo điều kiện, cơ hội cho người lao động tham gia thị trường lao động, góp phần đảm bảo hiệu suất lao động cho xã hội, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững.