Phụ huynh sẵn sàng cho con quay trở lại trường
Phụ huynh mong muốn cho con đến trường khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Trường học hạnh phúc thu hút các bậc phụ huynh Trung Quốc Khối cấp ba trở lại trường: Học sinh háo hức, phụ huynh lo lắng |
Quay trở lại trường học là hợp lý và rất cần thiết
Ngày 5/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng ký văn bản số 320/UBND-KGVX gửi Sở GD&ĐT, Sở Y tế, UBND các huyện, thị xã về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 18 huyện, thị xã trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nhâm Dần), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc tại tất cả các cấp học từ ngày 7/2 -14/2 theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT , bảo đảm để các cháu đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh học sinh bớt lo toan.
Thông tin học sinh trở lại trường học trực tiếp đã nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, nhà trường. Nhiều cha mẹ cho rằng, người lớn trong gia đình phòng chống dịch tốt, nhà trường lên kịch bản phòng chống dịch chu đáo thì sẽ không quá lo lắng khi trẻ đi học trở lại.
Nhiều cha mẹ đồng thuận cho con đến trường học trực tiếp |
Chị Nguyễn Thu Phương, phụ huynh có con học lớp 4 Trường Tiểu học Thành Công A, quận Ba Đình, Hà Nội trao đổi: “Học trực tuyến dù cả giáo viên và học sinh đều đã nỗ lực và thích nghi song hiệu quả giáo dục không thể bằng trực tiếp. Thời gian con học online tôi phải gửi ông bà nội vì vợ chồng còn đi làm, không có thời gian quản lý. Thời gian đầu, bé học tốt nhưng gần đây, người thân phát hiện bé mở phim hoạt hình xem ngay trong giờ học online, mắt cũng có biểu hiện yếu đi.
Nếu cứ học trực tuyến quá lâu cũng khó để đảm bảo hiệu quả, yêu cầu mong muốn. Nền tảng kiến thức lớp dưới nếu không vững vàng, khi lên lớp tiếp theo các con sẽ bị đuối về kiến thức, dần dần sẽ gây nên áp lực học tập.
Tôi thấy lạ là nhiều người không cho con đi học vì sợ COVID dù thế, họ lại cho con đi chơi, đi du lịch. Không ít cha mẹ không đồng ý cho con đi học trực tiếp nhưng lại kêu ca, để con ở nhà lại sợ con kiến thức rỗng - ham chơi cha mẹ không kiểm soát được… Tôi cho rằng không thể đợi lắng dịch hay hết dịch trẻ mới được đến trường. Tôi nghĩ nên cho trẻ đến trường trên tinh thần tự nguyện, ai đồng ý thì cho con đi học trực tiếp, ai không đồng ý thì học trực tuyến”.
Anh Đinh Xuân Tráng, phụ huynh có con học lớp 9 Trường THCS Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Không gia đình, nhà trường, thầy cô… nào muốn “đẩy” học sinh đến sự mất an toàn sức khỏe. Như vậy, khi các điều kiện cơ bản để học sinh trở lại trường tương đối đảm bảo thì không nên quá e dè, giữ học sinh ở nhà học trực tuyến. Cần phải nắm bắt thời cơ để mọi hoạt động trong đời sống có thể quay trở lại trạng thái bình thường chứ không riêng gì vấn đề giáo dục”.
Chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con trước khi đến trường
Phụ huynh chuẩn bị tâm lý cho con đi học trực tiếp |
Sau một khoảng thời gian rất dài ở nhà học online, không được tham gia các hoạt động xã hội, chính vì vậy ngoài việc chuẩn bị các kỹ năng biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho trẻ thì việc chuẩn bị tâm lý cũng như năng lực thích ứng với môi trường học tập trực tiếp cũng cần được chú trọng. Tuỳ vào độ tuổi khác nhau mà cha mẹ có sự chuẩn bị khác nhau, tạo cho con một trạng thái tích cực khi đến trường.
Chị Đặng Khánh Huyền, phụ huynh có con học lớp 3 trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Sau khi nghe thông tin Hà Nội có kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường học tôi đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho con, giúp con thích nghi với việc học trực tiếp sau thời gian dài học online. Tôi chia sẻ luôn với con về thông tin quay trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết trong bối cảnh dịch bệnh. Nhìn chung bé cũng tỏ ra hứng thú khi được đến trường học tập vui chơi giao lưu cùng bè bạn.
Vợ chồng tôi luôn trò chuyện với con về việc tổ chức lại thời gian biểu sinh hoạt, sắp xếp sách vở, góc học tập, những dự định kế hoạch học tập của con sẽ diễn ra như thế nào. Đặc biệt cũng nói với con về việc lần này quay trở lại trường học, con cần thực hiện 5K để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng không nên trầm trọng hóa vấn đề khiến trẻ càng thêm lo lắng mà chỉ để trẻ hiểu rằng đó là những kỹ năng, cách thức chúng ta bảo vệ chính bản thân và những người xung quanh như việc con đeo khẩu trang hay rửa tay thường xuyên…”.
Không chỉ chuẩn bị tâm lý, nhiều phụ huynh còn bắt đầu “cai” máy tính, điện thoại cho con, tập cho con thói quen đi ngỏ sớm và 6h30 thức dậy
Chị Nguyễn Thị Trà, phụ huynh trường Tiểu học Đa Tốn, huyện Gia Lâm nói: “Thời gian gần đây, tầm 9 rưỡi 10 giờ tối là tôi cho con vào giường và tắt đèn, dù chưa thể ngủ ngay nhưng mấy hôm nay tôi luôn duy trì rèn luyện cho bé. Để ép con vào lịch sinh hoạt mới, dù là đang nghỉ Tết, trời rất lạnh nhưng sáng nào tôi cũng dậy từ sớm để 6 rưỡi qua gọi con. Cố gắng đến lúc quay trở lại trường con sẽ có thể thức dậy đúng giờ. Nghĩ cũng thương con nhưng nếu siết vào quy củ thì khi đi học trở lại con sẽ bị mệt và bị bỡ ngỡ với cường độ học tập trực tiếp tại trường.
Mặt khác, vì con chưa đủ tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nên tôi cũng dặn con cẩn thận nhất có thể, tôi hay bật nhiều video minh họa về các biện pháp phòng, chống dịch trên Youtube và chỉ dẫn bé làm theo với mong muốn có thể trang bị cho bé những kỹ năng cần thiết khi trở lại trường học trực tiếp. Với tình hình dịch bệnh đang có những dấu hiệu khả quan như hiện nay, tôi mong khi các con quay trở lại trường học, mọi việc sẽ tốt đẹp”.
Cô Nguyễn Thị Thu Hương, hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đưa ra lời khuyên, khi ở nhà quá lâu vì dịch COVID-19, học sinh có nguy cơ bị tổn thương sức khoẻ cả về vật chất và tinh thần sau khi quay lại trường học. Các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo cần phải phối hợp để giúp các em thích ứng với việc chuyển từ trạng thái học trực tuyến sang trực tiếp. Các bé sẽ thay đổi tâm lý khi trở lại trường học như dễ khóc, dễ thay đổi, tâm trạng, hay lo lắng, buồn bã, mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến suy giảm trí nhớ, khó tiếp thu bài học , dễ chán nản, không có hứng thú học tập.
Để hạn chế tối đa những biểu hiện trên, không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ mà còn là của chính thầy cô và nhà trường. Khoảng thời gian trước khi cho trẻ đến trường, cha mẹ cần phải chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, nên thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp, cần cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường để trẻ sẵn sàng tâm lý.
Tiếp theo giáo viên cần phối hợp với cha mẹ học sinh để chia sẻ , động viên kịp thời, đưa học sinh tham gia ngay vào các hoạt động tập thể để tăng cường các kỹ năng cần thiết cho trẻ. Ngoài ra, nhà trường cũng có trách nhiệm như giảm tải chương trình học, ưu tiên các hoạt động giao lưu, có kế hoạch tư vấn tâm lý cho học sinh, giáo dục kỹ năng sống nhằm tăng ý chí, bản lĩnh, thái độ, ứng xử của học sinh nhằm đảm bảo hiệu quả nhất có thể.