Phòng ngừa bạo lực ở nơi khám chữa bệnh: Đừng để ngành Y đơn độc
Buổi “Tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực tại cơ sở Y tế” thu hút đông đảo những người hoạt động trong ngành y tế tham dự
Bài liên quan
817 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Bình An, Bùi Phương Nga cùng tham gia hành trình “Thổ Nhĩ Kỳ - Huyền thoại có thật”
Rapper Hà Lê làm mới hay “phá” nhạc Trịnh?
Nhạc sĩ Vĩnh Cát "chịu chơi" ở tuổi 85 với live concert "Ngôi sao Hà Nội"
Buổi “Tập huấn kỹ năng phòng ngừa bạo lực tại cơ sở Y tế” diễn ra ngày 28/3 vừa qua tại tỉnh Hải Dương rất thiết thực và thức thời nên đã thu hút được sự chú ý của những người làm về lĩnh vực y tế, chữa bệnh trên khắp cả nước.
Phần đông các chuyên gia có mặt tại đây đều cho rằng đây là một vấn nạn rất bức xúc trong dư luận nhưng thời gian qua gần như ngành y tế phải đơn độc khi đấu tranh chống hành hung bác sĩ, người khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Cứ sau mỗi trường hợp xảy ra, ngành lại triển khai rất nhiều giải pháp tự bảo vệ mình, thậm chí kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng nhưng số nhân viên y tế bị đánh đập, hành hung lại còn gia tăng hơn nữa.
Các trường hợp bạo hành nhân viên y tế gây bức xúc dư luận |
Tại buổi tập huấn, trước hết nguyên nhân của sự việc được nhiều khách mời, chuyên gia phân tích. Các ý kiến đều cho rằng việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế là do lối hành xử không chuẩn mực của một bộ phận người dân có trình độ văn hóa thấp. Họ không hiểu hoặc không chịu hiểu quy trình khám chữa bệnh, không đủ kiến thức để thấu hiểu các phác đồ, quy trình mà nhân viên y tế phải thực hiện với người bệnh.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, một số bệnh nhân và người nhà của họ đến bệnh viện khi trong người có chất kích thích, rượu bia nên hành vi thiếu kiểm soát do không kiềm chế được nên xảy ra xô xát. Trong khi đó, không thể phủ nhận được ở một khía cạnh khác, đó là có thể phương pháp làm việc, giao tiếp với bệnh nhân, người nhà bệnh nhân của một số y, bác sĩ còn chưa hợp lý, chưa nhận được sự thông cảm, thấu hiểu của người đến khám chữa bệnh.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu cho rằng đây là vấn nạn không chỉ diễn ra ở riêng Việt Nam là còn khiến hầu hết các nước trên thế giới đau đầu, tìm cách giải quyết. Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn nạn này diễn ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng nghiêm trọng.
Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu chia sẻ tại buổi tập huấn |
Theo công bố của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có 8% - 38% nhân viên y tế bị bạo hành ở nơi làm việc. Trong đó, việc bạo hành tinh thần như nhục mạ, chửi bới,... là không thể tính toán hết. Còn tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, khoảng 8 năm trở lại đây, cả nước có ít nhất 22 vụ việc bác sĩ bị bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hành hung.
Các số liệu cũng cho biết hành hung nhân viên y tế xảy ra chủ yếu ở bệnh viện tuyến tỉnh (chiếm 60%), tuyến Trung ương chiếm 20%. Phần lớn đối tượng bị tấn công là các bác sĩ (chiếm 70%) và điều dưỡng (khoảng 15%). Có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân và 60% xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho bệnh nhân, người nhà.
Ảnh minh họa |
Dư luận đều đồng tình hành động bạo lực tại các cơ sở y tế là rất đáng chê trách. Với một vài cá nhân thì hành động bột phát này giải tỏa nỗi bức xúc tức thời nhưng với cả hệ thống ngành y thì để lại nhiều hậu quả khôn lường. Trước hết, với những nhân viên y tế trực tiếp bị hành hung, họ không chỉ bị đe dọa về sức khỏe mà còn cả về mặt tinh thần. Theo ghi nhận từ thực tế đã có bác sĩ bị đánh rơi vào trầm cảm, như vậy họ khó có thể quay lại làm việc, khám chữa bệnh cho nhân dân một cách bình thường như trước.
Còn với những nhân viên y tế khác họ sẽ phải làm việc trong tình trạng hoang mang, nơm nớp lo sợ, từ đó tình yêu nghề, hăng say cống hiến, tìm tòi các phương pháp chữa bệnh mới cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, vấn đề này cần được chấn chỉnh và kiểm soát chặt chẽ hơn từ các cơ quan, ban ngành khác nhau để bảo vệ quyền lợi của những người làm y.
Các chuyên gia có kinh nghiệm cho biết ở các nước phát triển bên cạnh việc bảo vệ nhân viên y tế bằng các phương tiện, trang thiết bị hiện đại, các hành vi xâm phạm nhân viên y tế cho dù chỉ là lời nói đều bị trừng phạt rất nặng.
Còn ở Việt Nam, mặc dù Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trước đó đã cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đã có những ký kết với Bộ Công an, một số Sở Y tế cũng đã ký kết phối hợp với Công an địa phương để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực các bệnh viện nhưng vẫn xảy ra tình trạng bạo hành.
Ảnh minh họa |
Điều đáng nói là “nước xa không cứu được lửa gần”, nhiều trường hợp, khi có bạo hành xảy ra khi gọi được công an thì việc đã xong… Dù có bị phạt hành chính các đối tượng gây rối nhưng bác sĩ, nhân viên y tế đã bị tổn thương về sức khỏe, tinh thần rồi. Như vậy, ở nước ta luật pháp hiện hành còn chưa đủ tính răng đe, đây là một lỗ hổng cần được cải thiện.
Từ những thực tế nếu trên, Trung tá, Ths. Đào Trung Hiếu cho rằng, để phòng chống bạo hành, mỗi cơ sở y tế cần phải xây dựng môi trường làm việc thật sự chuyên nghiệp đăc biệt quy trình làm việc phải chặt chẽ; cần có hệ thống cảnh báo phòng chống bạo hành, có đội ngũ bảo vệ có kỹ năng, kiến thức phòng chống bạo hành, liên kết với đơn vị công an khu vực ngay khi có bạo hành xảy ra.
Để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ nhân viên y tế, trong thời gian tới ngành y tế và ngành công an sẽ có những kí kết phối hợp, lập đường dây nóng để nhân viên y tế có thể gọi bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra trong bệnh viện để kịp thời xử lý.
Đồng thời, cá nhân mỗi nhân viên y tế phải được trang bị kiến thức, kỹ năng tự vệ. Có ý thức phòng chống bạo hành, nghĩa là phải luôn luôn nhìn nhận ngoài công việc chuyên môn thì có thể nhận biết những nguy cơ đe dọa đối với mình mà có biện pháp xử lý.
Ngành y tế cũng mong các bệnh viện phối hợp với ngành Công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi những hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế.
Như vậy, có thể thấy, hiện trạng bạo hành tại các cơ sở Y tế đang diễn ra hết sức nhức nhối, gây bức xúc trong dư luận. Nó cũng khiến việc khám chữa bệnh đối với các bệnh nhân khác tại nơi có bác sĩ bị bạo hành bị ảnh hưởng. Việc phòng ngừa, ngăn chặn không để bạo hành xảy ra là hết sức cấp bách không còn là “việc trong nhà” của riêng ngành y tế.
Sự việc đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành có liên quan trong thời gian tới. Trong khi đó, việc ứng xử, tuân thủ các quy định tại nơi khám chữa bệnh của nhân dân cũng cần phải được tuyên truyền để nâng cao ý thức, tránh nóng giận lên là thiếu kiểm soát, xô xát vừa ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh của mình, ảnh hưởng tới bác sĩ và cả môi trường khám chữa bệnh xung quanh.