Phòng hỏa hoạn, người dân cẩn thận sắm thêm bóng chữa cháy
Những điểm mới của Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Những hành vi bị nghiêm cấm trong phòng cháy, chữa cháy Tăng cường truyên truyền, hướng dẫn PCCC tại khu dân cư, tập thể cũ |
Chủ động trang thiết bị để đề phòng, không để đối phó
Theo tìm hiểu, cách đây hai năm, tại ngõ 66 (phố 16, địa bàn dân cư 7, Phúc Xá, Ba Đình), xảy ra một vụ cháy. Nguyên nhân là do chập điện tủ lạnh trên tầng 4 của một ngôi nhà cuối ngõ.
Tại thời điểm vừa xảy ra sự cố, người dân khu phố đã phát hiện kịp thời. Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng ngay lập tức có mặt để dập tắt đám cháy, nên không gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Bà Đặng Thị Cúc, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7, kiêm Trưởng phố 16 (Phúc Xá, Ba Đình) chia sẻ, trước đây mọi người còn xem nhẹ công tác PCCC và chưa biết các kỹ năng sử dụng trang thiết bị dập lửa, thoát nạn.
Sau lần “ông hỏa” ghé thăm và nhờ các nỗ lực truyên truyền từ lực lượng chức năng thành phố, quận, phường, người dân trong khu phố đã có sự thay đổi nhận thức tích cực, không còn chủ quan, lơ là trong việc phòng ngừa cháy, nổ.
“Ý thức của mọi người trong khu phố về phòng cháy chữa cháy đã được nâng cao. Các gia đình có sự tìm hiểu, tự học hỏi, tự mua các trang thiết bị cần thiết như bình cứu hỏa, búa, kìm thoát hiểm để đề phòng. Các hộ trang bị thêm trang thiết bị đề phòng sự cố nhằm đảm bảo an toàn chứ không phải đối phó, mua để cho có…”, nữ Bí thư Chi bộ chia sẻ thêm.
Gia đình bà Nguyễn Kim Tú (ngõ 66, phố16) là một trong nhiều hộ được phường Phúc Xá thí điểm lắp chuông báo cháy. Mặc dù trong nhà đã có bình cứu hoả, gia đình bà vẫn cẩn thận sắm thêm bóng chữa cháy.
Cầm quả bóng chữa cháy trên tay, bà Tú hào hứng nói: “Quả cầu này hay lắm, khi có cháy chỉ cần ném vào ngọn lửa, bột dập lửa bên trong sẽ bung ra giúp dập tắt đám cháy. Công dụng như bình cứu hỏa nhưng gọn và dễ dàng, sử dụng nhanh chóng hơn...”.
Chuông báo cháy lắp tại nhà bà Nguyễn Tim Tú (Phố 16, Phúc Xá, Ba Đình) |
Bà Nguyễn Kim Tú đang mô tả công dụng của bóng chữa cháy |
Việc chủ động tự sắm thêm các trang thiết bị PCCC cho thấy rằng, người dân trong khu phố nhận thức được tầm quan trọng của việc hiểu, biết, nắm rõ về các kỹ năng phòng cháy chữa, chữa cháy và cứu nạn, thoát nạn.
Tất nhiên, không một ai sinh sống tại khu phố 16 muốn phải dùng đến những trang thiết bị nói trên. Nhưng việc tự trang bị các vật dụng, thiết bị PCCC tại nơi ở của mỗi gia đình là rất cần thiết, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho bản thân, cộng đồng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Yên tâm hơn vì có mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC", "Điểm chữa cháy công cộng"
Theo Bí thư Chi bộ Đặng Thị Cúc, với phương châm: “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân”, Các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC, “Điểm chữa cháy công cộng” từ khi được triển khai đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng từ bà con khu dân cư 7, Phúc Xá, Ba Đình.
Mỗi tổ liên gia PCCC có ít nhất 5 nhà ở riêng lẻ, liền kề nhau. Các hộ được lắp đặt chuông báo cháy bên trong và ngoài nhà ở, được trang bị bình chữa cháy và các dụng cụ chữa cháy thông thường như búa, kìm cộng lực… Đặc biệt, ngay tại đầu ngõ 66 , UBND phường Phúc Xá đã bố trí một "Điểm chữa cháy công cộng", để mọi người kịp thời sử dụng khi có sự cố cháy nổ xảy ra.
Bà Đặng Thị Cúc, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 7 (Phúc Xá, Ba Đình) |
Bên cạnh đó, công tác triển khai phong trào PCCC tại khu phố có có nhiều sáng tạo, như tuyên truyền qua hình ảnh, video, diễn tập thực tế, hội thao PCCC… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC&CNCH của các hộ gia đình.
Bà Đặng Thị Cúc cho biết: “Ngoài các buổi sinh hoạt tuyên truyền với các cấp thành phố, quận, phường, người dân trong khu phố tự tổ chức các buổi sinh hoạt về phòng cháy chữa cháy. Các hộ gia đình tự thông tin đến nhau, tự giúp nhau có thêm kiến thức để kịp thời xử lý các tình huống cháy nổ.”
Một buổi tuyên truyền công tác PCCC tại khu dân cư số 7 (Phúc Xá, Ba Đình) |
Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn, các chủ hộ được hướng dẫn kiến thức, thực hành các kỹ năng PCCC và được cấp phát tài liệu hướng dẫn PCCC cho các thành viên trong gia đình. Mỗi người dân đều duy trì tinh thần cảnh giác cao độ; sẵn sàng huy động lực lượng khu phố, "Tổ liên gia an toàn PCCC", phương tiện tại chỗ tham gia chữa cháy, cứu nạn, ngay từ ban đầu nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi có hỏa hoạn.
Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, Trung tá Phạm Việt Dũng, Đội phó Đội PCCC&CNCH, Công an quận Ba Đình cho biết, để nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa cháy, nổ thì bên cạnh các nội dung như diễn tập tại khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội… lực lượng công an còn đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ gia đình nhằm mục đích tất cả người dân được trang bị kiến thức an toàn về PCCC và cứu nạn, thoát nạn. “Công tác nâng cao nhận thức của người dân luôn được quận đặt lên hàng đầu, giúp cho mọi nhà hiểu được tầm quan trọng của trang thiết bị phòng cháy chữa cháy. Đội PCCC và CNCH tham mưu cho Công an quận Ba Đình, UBND quận các kế hoạch tuyên truyền đến các khu dân cư, khu tập thể cũ có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức các buổi trang bị kỹ năng, kiến thức đến từng gia đình để chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các vụ cháy, sự cố cháy, giảm tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra, nhất là vào thời điểm cuối năm, cận dịp tết Nguyên Đán 2025”, Trung tá Phạm Việt Dũng thông tin thêm. |