Phim chuyển thể lần đầu tiên được tham dự "Liên hoan Truyền hình toàn quốc"
Quang cảnh buổi họp báo "Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38"
Bài liên quan
Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35: Thể loại Phóng sự và Phim tài liệu chiếm áp đảo
“Đường đến trường” là một trong ba tác phẩm của Việt Nam tranh giải truyền hình châu Á
Ba tác phẩm của Việt Nam tranh giải truyền hình châu Á
Cụ thể, tại LHTHTQ lần thứ 38, thể loại Phim truyện truyền hình có sự tham gia của năm phim ngắn tập, một phim một tập và bảy phim dài tập. Với thời lượng lên tới 253 tập, riêng phim truyền hình dài tập được các giám khảo chấm từ tháng 11.
Bảy phim truyền hình dài tập dự thi năm nay gồm: "Gạo nếp gạo tẻ" - phần 1 (54 tập) - đạo diễn Võ Thạch Thảo (đơn vị: Công ty Cổ phần D.I.D TV); "Ngày ấy mình đã yêu" (24 tập) - đạo diễn Nguyễn Khải Anh (đơn vị: Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài THVN - VFC); "Khép lại quá khứ" (32 tập) - đạo diễn Nguyễn Đức Nhật Thanh (đơn vị: Đài Truyền hình TP HCM); "Bên kia sông" (40 tập) - đạo diễn Phạm Ngọc Châu (đơn vị: Hãng phim truyền hình TPHCM - TFS); "Ngậm ngùi" (46 tập) - đạo diễn Trương Dũng (đơn vị: Đài PT - TH Vĩnh Long); "Mật mã hoa hồng vàng" (46 tập) - đạo diễn Quách Khoa Nam (đơn vị: Công ty Cổ phần M&T Pictures); "Giọt nước của dòng sông" (11 tập) - đạo diễn Trần Vịnh (đơn vị: Công ty TNHH Chế tác kịch bản Nhã Phương).
Trong bảy tác phẩm dự thi liên hoan có 2 bộ phim là "Ngày ấy mình đã yêu" phát sóng trên VTV3 và "Gạo nếp gạo tẻ" phát sóng trên HTV2 đều được chuyển thể từ kịch bản Hàn Quốc. Cùng chung thể loại tâm lý tình cảm, cả hai bộ phim đều tạo được ấn tượng với khán giả khi lên sóng và tạo nên cơn sốt trên mạng xã hội.
Đây là điều mới vì trước đây liên hoan chỉ nhận những tác phẩm hoàn toàn được sản xuất trong nước, không có yếu tố chuyển thể, mua bản quyền.
Ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng Ban Thư ký biên tập (Đài Truyền hình Việt Nam), Phó Trưởng ban Thường trực Ban tổ chức "Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38" |
Chia sẻ về lí do tại sao bộ phim rất được khán giả quan tâm là "Quỳnh Búp Bê" không tham dự giải, ông Nguyễn Hà Nam cho biết quy định của liên hoan là mỗi đơn vị chỉ được gửi một tác phẩm dự thi, theo ông được biết thì phía VFC đã thành lập một hội đồng và quyết định "Ngày ấy mình đã yêu" chứ không chọn "Quỳnh búp bê".
Theo BTC, cái mới nữa của Liên hoan năm nay là ở thành phần ban giám khảo. Ngoài những giám khảo là người trong hệ thống của Đài truyền hình trong cả nước thì còn có các giám khảo bên ngoài như các nghệ sĩ, nhà báo. NSƯT Đức Trịnh sẽ là trưởng BGK thể loại ca múa nhạc, BGK thể loại Phim truyện truyền hình có NSƯT Nguyễn Công Ninh. Thể loại Chương trình sân khấu có NSƯT Đặng Thụy Mỹ Uyên.
Bà Trần Hồng Hà – Phó Trưởng Ban Văn nghệ, Đài THVN cho biết, những hình ảnh đặc trưng của thành phố Đà Lạt mộng mơ sẽ được ê-kíp thực hiện chương trình khắc họa trong các phần biểu diễn của Lễ khai mạc. Tại đây cũng sẽ có phần biểu diễn khá đặc biệt, lần đầu tiên kết hợp của ba giọng ca giải nhất của ba dòng nhạc thính phòng, dân gian, nhạc nhẹ giải Sao Mai 2017 là Đào Tố Hoa, Sèn Hoàng Mỹ Lam và Thu Thủy. Bà Hồng Hà cho biết sự kết hợp này tốn khá nhiều công sức bởi để chọn được một bài phù hợp cho cả ba ca sĩ là điều rất khó nhưng BTC vẫn muốn làm để khẳng định sự trưởng thành của họ sau khi bước ra từ giải Sao Mai 2017.
Bà Trần Hồng Hà – Phó Trưởng Ban Văn nghệ, Đài THVN |
Một điểm mới nữa của LHTHTQ lần thứ 38 là năm đầu tiên thể loại phim tài liệu mở rộng xét giải với các phim tài liệu dài tập.
"Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38" sẽ diễn ra từ ngày 19-22/12 tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đây là lần đầu tiên Đài PT-TH Lâm Đồng đăng cai tổ chức LHTHTQ, sự kiện lớn nhất trong năm của những người làm truyền hình Việt Nam.
Năm nay, ban tổ chức tiếp tục lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất đã được phát trên hệ thống các kênh truyền hình Việt Nam trong năm qua theo 9 thể loại được sản xuất phổ biến tại các đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình là: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo, Chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Chương trình Ca múa nhạc, Chương trình Sân khấu và Phim truyện truyền hình.
Tính đến thời điểm này, ban tổ chức đã nhận được gần 500 tác phẩm dự thi. Trong đó, thể loại phóng sự tiếp tục thu hút nhiều tác phẩm tham gia nhất (148 tác phẩm). Đây cũng là thể loại có sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị dự thi với rất nhiều đề tài phong phú, phản ánh bức tranh thời sự của nhiều địa phương cũng như những vấn đề nóng trên cả nước trong năm qua.
Nắm bắt xu thế phát triển và đáp ứng sự quan tâm của những người làm truyền hình trong bối cảnh hiện nay, 2 hội thảo với chủ đề “Mạng xã hội và truyền hình”, “Giải pháp sử dụng thiết bị cơ động, nhỏ gọn cho sản xuất chương trình” sẽ được tổ chức. Với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước và tinh thần khuyến khích đổi mới - bắt kịp xu hướng - hợp tác cùng phát triển, các Hội thảo hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thông tin giá trị và tác động tích cực đến những người làm truyền hình Việt Nam.
Triển lãm ảnh của các tác giả là những người làm truyền hình cả nước diễn ra tại địa điểm tổ chức Liên hoan (khuôn viên khách sạn Palace, Đà Lạt)
Chương trình Khai mạc và Bế mạc Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 38 do Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện.
Lễ khai mạc diễn ra lúc 20h10 ngày 19/12 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng (Truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1). Lễ bế mạc và trao giải diễn ra vào 20h ngày 22/12 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng (truyền hình trực tiếp trên kênh của Đài PT - TH Lâm Đồng và phát lại trên kênh VTV1 vào 14h15 ngày 23/12).
Bài liên quan
Sau My Sói của “Quỳnh Búp Bê” tích cực hoạt động sân khấu nghệ thuật
Lưu Đê Ly ám ảnh với vai An trong “Chạy trốn thanh xuân”
NSND Lê Khanh chia sẻ trước thềm lưu diễn tại TPHCM