Phát triển miền Tây xứ Nghệ - Bài 1: Tiềm năng và thách thức
Rừng Săng Lẻ đẹp hút hồn ở huyện Tương Dương
Bài liên quan
Sáu điểm du lịch thiêng liêng bậc nhất đất Nghệ An
Làm du lịch bằng... nông nghiệp
Hoa Hướng Dương Nghệ An sắp nở rộ
Tiềm năng lớn
Miền Tây tỉnh Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại của tỉnh Nghệ An nói riêng, của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước nói chung. Về mặt vị trí địa lý, miền Tây là vùng đất đai rộng lớn gồm 11 huyện, thị xã với tổng diện tích tự nhiên 13.728,97km2, chiếm 83,36% diện tích toàn tỉnh. Đây còn được biết đến là vùng đất có tiềm năng, lợi thế lớn trong phát triển kinh tế xã hội.
Nhảy sạp tại lễ hội hang Bua - Quỳ Châu |
Ngoài hàng triệu ha rừng tự nhiên, rừng sản xuất và đất lâm nghiệp, tài nguyên khoáng sản (đá vôi, đá trắng, đá xanh, cát, thiếc…) chưa phát huy hết hiệu quả là bản sắc văn hóa vùng miền, danh lam thắng cảnh (thác Xao Va, Khe Kèm…) với hệ sinh thái đa dạng. Vùng đất rộng lớn này hiện có những đặc sản nổi tiếng với cam, tre trúc, sản vật khác như cá mát, lợn Mông, gà đen, nguồn dược liệu, các khu dự trữ sinh quyển với rừng nguyên sinh, thác nước, các hồ thuỷ điện, các hang động… để phát triển du lịch.
Mỗi một vùng đất nơi miền Tây xứ Nghệ còn gắn với những sự tích, những huyền thoại lập bản lập mường… với những lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền rõ nét như lễ hội đền Chín gian, đền Vạn-cửa Rào, hang Bua… Những cơ sở và điểm nhấn này rất thuận lợi để thu hút du khách thăm quan, quảng bá phát triển du lịch.
Một góc xã Cẩm Sơn huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An |
Điều rất đáng quan tâm, có một tiềm năng không nhỏ mà rất ít được đề cập sâu, đó là các tiểu vùng khí hậu. Các vùng như Tri Lễ (Quế Phong) hay Mường Lống, Huồi Tụ (Kỳ Sơn)… được ví như “Sa Pa” xứ Nghệ với khí hậu mát mẻ, quanh năm sương mù bao phủ là điều kiện lý tưởng để hình thành ý tưởng du lịch tham quan, nghỉ dưỡng. Chưa kể, dưới tán rừng nguyên sinh ở các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Mát, Pù Hoạt, Pù Huống còn là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp gắn với công nghệ cao như trồng cây dược liệu, hoa, du lịch trải nghiệm…
Phát triển chưa tương xứng
Tiềm năng của miền Tây là rất lớn nhưng lại phát triển chưa tương xứng; bộ mặt kinh tế xã hội nơi đây vẫn đang còn rất “ảm đạm”. Ngược quốc lộ 7A từ Anh Sơn lên Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn; vòng sang Quốc lộ 48 với Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp… “mảng tối”, “góc khuất”… của cuộc sống khó khăn, của sự đói nghèo đang hiện hữu rõ nét bên mỗi nếp nhà sàn, trong từng mọi ngõ ngách bản làng vùng cao. Hàng năm, ngân sách Trung ương và tỉnh Nghệ An đang phải dành một khoản tương đối để hỗ trợ, trợ cấp cho miền Tây.
Cảnh sắc xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An |
Hiện tại, quy mô kinh tế vùng miền Tây còn nhỏ bé, tính liên kết thấp, hiệu quả chưa cao. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn còn yếu, nhất là trong xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản. Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là thu hút các dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Chưa kể, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều dự án triển khai chậm so với yêu cầu. Đặc biệt chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với các huyện miền xuôi.
Thác Xao Va - điểm dừng chân hút khách du lịch ở Quế Phong |
Vì sao tiềm năng miền Tây lớn nhưng nơi đây vẫn không thể cất cánh, vẫn đang “ì ạch” với những bước đi nặng nề? Trước thực tế này, nhiều ý kiến đã cho rằng, đó là do nguồn lực để phát triển quá nhỏ. Nguồn lực thúc đẩy miền Tây phát triển bao gồm nguồn lực đầu tư và nguồn lực con người đang thực sự rất yếu và rất thiếu. Nhiều năm qua, Nghệ An là tỉnh thu chưa đủ chi, nên ngân sách địa phương còn quá hạn hẹp, việc đầu tư cho miền Tây hạn chế. Trong khi đó, nguồn lực con người cực kỳ thiếu và yếu về lượng và chất. Thực tế cho thấy, trình độ sản xuất của cư dân các huyện miền núi cao còn thấp. Đội ngũ cán bộ, trực tiếp là cán bộ kinh tế, kỹ thuật cũng thiếu về lượng và chất.
Tại Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển miền Tây Nghệ An đến năm 2020 - tầm nhìn 2030” vừa được UBND tỉnh Nghệ An phối hợp Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã khẳng định đại ý rằng: Định hướng phát triển miền Tây dù đúng bao nhiêu, các chỉ tiêu đề ra cụ thể bao nhiêu, các đề án dù hay, khả thi đến đâu, nhưng không có nguồn lực con người, hay nói cách khác, không có con người để thực hiện thì vẫn dẫm chân tại chỗ. Đây chính là những thách thức rất lớn mà các huyện miền Tây Nghệ An không dễ dàng vượt qua ngày một ngày hai.