Phát hiện biến thể mới lây lan nhanh hơn Omicron
Biến chủng tái tổ hợp XE lần đầu được phát hiện ở Anh (Ảnh: The Scotsman) |
Trước đó, WHO xác nhận dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron hiện là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt tại Châu Âu và Châu Á, làm gia tăng lo ngại về khả năng bùng phát một đợt dịch mới tại Mỹ.
BA.2 hiện gây ra 86% tổng số ca mắc COVID-19 đã được giải trình tự gene. BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 30% so với dòng gốc BA.1 của biến thể Omicron.
Ngay khi BA.2 vừa trở thành biến thể chủ đạo thì lại có một biến thể mới xuất hiện, được cho là có thể sẽ còn lây lan nhanh hơn cả BA.2.
Thời gian qua, giới khoa học đã theo dõi 3 biến thể mới gồm XD, XF và XE. Trong đó, 2 biến thể XD và XF là những dạng kết hợp của biến thể Delta và BA.1 hay gọi là Deltacron. Hai biến thể này đã đươc nhắc tới từ vài tháng nay nhưng chưa thực sự gây ra những thay đổi đáng kể trong diễn biến dịch bệnh thế giới.
Còn lại, biến thể XE là một dạng biến thể tái tổ hợp - kết hợp của chính các biến thể BA.1 và BA.2 của Omicron.
Theo WHO cần thêm thời gian và nghiên cứu tiếp biến thể XE (Ảnh: Getty) |
Theo ước tính ban đầu của WHO, tỷ lệ ca nhiễm cộng đồng sau khi xuất hiện XE cao hơn 10% so với BA.2. Như vậy, biến chủng có khả năng lây lan nhanh hơn phiên bản gốc của Omicron 43%. Tuy nhiên, WHO lưu ý cần có thêm nghiên cứu mới để xác nhận điều này.
“Biến chủng tái tổ hợp XE lần đầu được phát hiện ở Anh vào ngày 19/1. Hiện các chuyên gia đã xác nhận hơn 600 trình tự gene có chứa biến chủng này", trích dẫn từ báo cáo của WHO.
Giáo sư Susan Hopkins, Cố vấn y khoa chính tại Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết XE là một biến thể tái tổ hợp đặc biệt, có tốc độ tăng trưởng lây nhiễm không giống các biến thể trước và cần thêm thời gian để xác định cụ thể các đặc tính của biến thể này. UKHSA vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình.
Hiện tượng tái tổ hợp virus xảy ra khi một người nhiễm hai biến chủng cùng một lúc. Ví dụ, người bệnh đến một nơi đông đúc, lây nhiễm từ nhiều F0. Hai loại biến chủng xâm nhập vào cùng một tế bào. Khi tế bào sản sinh virus mới, vật liệu di truyền của chúng bị trộn lẫn, khả năng cao tạo ra biến chủng lai.
Hiện tượng nCoV tái tổ hợp không mới. Tuy nhiên hầu hết, quá trình này thường dẫn đến ngõ cụt, virus tự triệt tiêu bởi biến chủng có gene hỗn hợp không hoạt động tốt như các phiên bản trước đó.
Theo thống kê, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng trên 490 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Ngày 2/4, số ca nhiễm mới lần đầu tiên xuống dưới 1 triệu ca/ngày sau nhiều tháng. Hiện Hàn Quốc dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với hơn 264 nghìn ca, Pháp đứng thứ hai, tiếp theo là Đức. Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là trên 81 triệu người. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu ca nhiễm và Brazil xếp thứ ba với trên 29 triệu ca bệnh. Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 180 triệu ca nhiễm, tiếp đến là Châu Á với trên 140,4 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 96,64 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 56,19 triệu ca, tiếp đến là Châu Phi 11,76 triệu ca và Châu Đại Dương gần 5,6 triệu ca nhiễm. |
Các biến thể gây triệu chứng COVID-19 kéo dài khác nhau |
Tại sao có người nhiễm cùng lúc 2 biến thể của virus SARS-CoV-2? |
Có thể xuất hiện biến thể mới khi động vật nhiễm SARS-CoV-2 |