Phát hành lô trái phiếu 6.574 tỷ đồng, SDI Corp vừa lỗ nặng vừa nợ hơn 96.000 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn (SDI Corp) vừa có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và người sở hữu trái phiếu công bố các chỉ tiêu tài chính năm 2022, cho thấy những chỉ số rất tiêu cực.
Theo đó, năm 2022, SDI Corp ghi nhận lỗ sau thuế hơn 3.096 tỷ đồng, cao gấp 20,3 lần so với mức lỗ năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu là -413,51%, năm 2021 chỉ -4,16%.
Quy mô vốn chủ sở hữu của SDI Corp tại thời điểm cuối năm 2022 giảm rất mạnh, gần 80% so với đầu năm, từ mức gần 3.692 tỷ đồng còn gần 749 tỷ đồng.
Đáng chú ý, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng đột biến từ 21,32 lên 128,72 (tương ứng khoảng 96.400 tỷ đồng). Đồng thời, hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 1,78 lên 8,78 (tương đương khoảng 6.500 tỷ đồng).
Theo tìm hiểu, SDI Corp có một lô trái phiếu đang lưu hành với mã SDICB2124001 với tổng giá trị 6.574,6 tỷ đồng. Lô trái phiếu này được phát hành vào tháng 12/2021 với kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn vào tháng 12/2024.
Trong văn bản công bố gửi HXN, SDI Corp không thông tin về mục đích phát hành cũng như tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu.
Phối cảnh dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An. (Ảnh: Internet) |
Được biết, SDI Corp được thành lập từ năm 1999, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An, có quy mô 117,4ha tại phường An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM (tên thương mại The Global City).
Theo tìm hiểu, tháng 6/2016, SDI Corp nâng vốn điều lệ từ 845 tỷ đồng lên mức 3.845 tỷ đồng. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Dương Minh Hùng (SN 1963).
Sau đó, đến tháng 3/2020, SDI Corp chuyển trụ sở chính về một số nhà trên đường số 5, khu dân cư 10ha, khu phố 3, phường An Phú, quận 2, TP HCM. Lúc này, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật được chuyển giao cho ông Bùi Đức Khoa (SN 1974), trước khi được chuyển sang cho bà Mai Thị Kim Oanh vào tháng 7/2021.
Sau khi đổi chủ vào năm 2021, nhiều pháp nhân đã thông qua dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An huy động tới hơn 22.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Trong đó, trực tiếp SDI Corp hồi tháng 12/2021 hút 6.574,6 tỷ đồng như đã đề cập ở trên.
Trước đó, các pháp nhân là Công ty Cổ phần Osaka Garden, Công ty Cổ phần Hoàng Phú Vương và Công ty Cổ phần Hoa Phú Thịnh vào ngày 30/7/2021 và ngày 4/10/2021 đã phát hành tổng cộng 15.500 tỷ đồng trái phiếu qua 4 đợt, với mục đích đặt cọc nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Sài Gòn Bình An.
Ở thời điểm hiện tại, Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của SDI Corp là ông Trương Văn Hùng (SN 1978).
Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2016 - 2019, SDI Corp không phát sinh doanh thu. Năm 2019, doanh nghiệp này cũng báo lỗ sau thuế lên tới 36,15 tỷ đồng.
Liên quan đến lô trái phiếu có mã SDICB2124001 với trị giá 6.574,6 tỷ đồng, trong năm 2022, SDI Corp đã có 4 lần thanh toán tiền lãi với tổng số tiền khoảng gần 660 tỷ đồng.
Được biết, SDI Corp từng dính tai tiếng khi nhiều lần bị Cục Thuế TP HCM nhiều lần bêu tên trong danh sách nợ thuế với số tiền nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đơn cử như đợt công bố tháng 2/2022, SDI Corp nợ thuế tới 404,5 tỷ đồng.
Hàng loạt doanh nghiệp có chỉ số tài chính đáng báo động Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế (Hoang Phuc International) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, năm 2022, Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1,87 tỷ đồng, giảm tới 83% so với mức lãi 11 tỷ đồng đạt được năm 2021. Tỷ lệ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp theo đó giảm từ 98,35% còn 8,12%. Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế đạt hơn 23 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2021. Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 16,68 lần lên 19,66 lần. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0 lên 0,48 lần. Tương tự như Công ty Cổ phần Đầu tư Hoàng Phúc Quốc Tế, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường mới đây cũng công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2022 cho thấy hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao chót vót. Cụ thể, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường đạt hơn 33,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 98,7 tỷ đồng. Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu ở mức 118,77 lần. Như vậy, ước tính nợ phải trả của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ở mức khoảng 4.000 tỷ đồng. Năm 2022, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ghi nhận lỗ sau thuế 267,4 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 298 tỷ đồng ở kỳ trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường là âm 790,59%. Theo báo cáo, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2022 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường ở mức 41,39 lần. Ngoài ra, Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức (địa chỉ tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) năm 2022 báo lỗ 92 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 9,3 tỷ đồng. Tỷ suất lãi ròng/vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức -2,68%. Cũng giống như các doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phước Long cũng báo lỗ sau thuế 279,6 tỷ đồng năm 2022 (năm 2021 lỗ 68,2 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này năm vừa qua là -107,87%. Đáng chú ý, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Phước Long đang ở mức khá cao, 18,71 lần. Nghĩa là công ty đang có 259,2 tỷ đồng vốn chủ sở hữu thì đang nợ khoảng 4.850 tỷ đồng. Mặt khác dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này cũng ở mức khoảng 1.050 tỷ đồng. |