Phân biệt lỗi sai làn đường, vạch kẻ đường khi tham gia giao thông
Trên thực tế, tình trạng đi sai làn đường hay không tuân thủ vạch kẻ đường thường diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa phân biệt rõ hai lỗi này bị phạt thế nào, phạt bao nhiêu tiền, có bị giữ bằng lái hay phương tiện không... Thậm chí, một số người tham gia giao thông còn chưa phân biệt được làn đường, vạch kẻ đường.
Dưới đây là cách phân biệt các lỗi sai làn đường và vạch kẻ đường để những người tham gia giao thông có thể tránh mắc phải:
Thế nào là đi sai làn đường?
Làn đường là một phần thuộc phần đường xe chạy, được phân chia theo chiều dọc có độ rộng đủ để xe lưu thông an toàn. Các làn đường sẽ được phân biệt với nhau bởi dải phân cách ở giữa hoặc vạch kẻ đường. Mỗi làn đường chỉ cho phép một hoặc vài phương tiện nhất định lưu thông và được thể hiện thông qua các biển báo trên đường.
Để biết mình vi phạm lỗi sai làn hay không tuân thủ vạch kẻ đường, các chủ xe cần nắm rõ được thế nào là đi sai làn. Theo Khoản 3.15, Điều 3 của QCVN 41:2019/BGTVT quy định: "Làn đường là một phần của đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có đủ bề rộng cho xe chạy an toàn. Một phần đường xe chạy có thể có một hoặc nhiều làn đường". Trong khi đó, khoản 3.53, Điều 3 quy định: "trên đường có từ hai làn xe cơ giới mỗi chiều trở lên (được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường), người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường".
Như vậy, đi sai làn đường là điều khiển xe đi vào làn đường không dành cho phương tiện đó trên đoạn đường đã được chia thành nhiều làn và được phân biệt bằng vạch kẻ đường.
Vì thế, người tham gia giao thông cần phải tuân thủ những quy định của luật giao thông về làn đường, phần đường và chỉ được chuyển làn tại những vị trí cho phép. Trước khi chuyển làn, người lái cần phải bật đèn xi nhan và bấm còi báo hiệu cho các phương tiện phía sau nhận biết được.
Mức phạt đối với lỗi đi sai làn dành cho các phương tiện cụ thể như sau:
Xe ô tô: Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng và tước bằng lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp xe đi sai làn, gây tai nạn giao thông, mức phạt từ 10.000.000 - 12.000.000 đồng và bị giữ giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Xe máy: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng. Trường hợp xe máy đi sai làn và gây tai nạn, phạt tiền từ 4.000.000 - 5.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
Xe chuyên dùng, xe gắn máy: Phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng. Trường hợp xe vi phạm lỗi sai làn đường đồng thời gây tai nạn giao thông, tùy mức độ nghiệm trọng, mức phạt tiền sẽ từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Thế nào là không tuân thủ vạch kẻ đường?
Vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe.
Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông.
Có nhiều cách phân loại vạch kẻ đường như dựa vào vị trí sử dụng (vạch trên mặt bằng và vạch đứng), dựa vào hình dáng, kiểu (vạch kẻ liền và vạch kẻ đứt khúc)…
Lỗi đi sai vạch kẻ đường chính là lỗi không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường. Lỗi này thường xảy ra ở những nơi đường giao nhau có đặt biển báo hiệu “Hướng đi trên mỗi làn đường phải theo” kết hợp với vạch mũi tên chỉ hướng đi trên mặt đường.
Lỗi đè vạch liền màu trắng hoặc lỗi đè lên vạch kẻ đường cũng là một và hai lỗi này sẽ được quy chung thành lỗi đi sai vạch kẻ đường và không chấp hành theo vạch kẻ đường khi tham gia giao thông.
Nếu người điều khiển phương tiện rẽ trái nhưng lại đi vào làn có mũi tên đi thẳng hoặc dừng đèn đỏ trên khu vực có kẻ ô chéo, đó là lỗi “không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”.
Mức phạt đi sai vạch kẻ đường đối với các loại phương tiện như sau:
Xe ô tô: Mức phạt hành chính từ 300.000 - 400.000 đồng.
Xe máy: Mức phạt hành chính từ 100.000 - 200.000 đồng.
Xe chuyên dùng, xe gắn máy: Mức phạt hành chính từ 100.000 - 200.000 đồng.
Ảnh minh họa