Gia đình sở hữu ô tô cá nhân tăng gấp đôi sau 5 năm
So với năm 2019, cả nước đã tăng gần 1,3 triệu hộ dân cư, đạt mức 28.146.939 hộ dân cư. Phần lớn người dân đều sử dụng các phương tiện như xe ô tô, xe máy, xe điện để tham gia giao thông.
Theo thống kế, có đến 89,4% hộ gia đình sử dụng mô tô, xe gắn máy; 9,0% hộ gia đình sử dụng ô tô cá nhân, cao hơn khoảng 3,3 điểm phần trăm so với năm 2019 (5,7%). Tỷ lệ này tương đương 2,533 triệu hộ gia đình sở hữu ô tô. Chỉ sau 5 năm, tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cá nhân đã gấp khoảng 1,6 lần và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn tới.
Tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô ở thành thị là 13,3% và ở nông thôn là 6,2%. Nếu tính chung cả thành thị và nông thôn thì các tỉnh thành có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu ô tô cao nhất là Quảng Ninh (17,7%), Thái Nguyên (17,4%), Vĩnh Phúc (17,1%), Đà Nẵng (15,8%) và Hà Nội (15%).
Kết thúc năm 2024, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cả năm ước đạt 388.500 chiếc, tăng 27,0% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu là 172.240 chiếc, tăng mạnh 14,7% so với năm 2023.
Trước đó, vào cuối năm 2023, Bộ Công Thương đã thống kê, mức sở hữu xe bình quân đầu người tại Việt Nam khi đó là 63 xe/1.000 dân.
Các chuyên gia dự báo, thị trường ô tô Việt sẽ tiếp tục tăng trưởng cao trong giai đoạn từ năm 2025 - 2030 khi chúng ta đã bước vào giai đoạn "ô tô hóa". Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 tăng trưởng thị trường xe ô tô bình quân từ 14-16%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ hàng năm đạt khoảng 1-1,1 triệu chiếc.