Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Khát vọng của vị doanh nhân với trái tim yêu nước
“Ông vua hàng hiệu” với trái tim yêu nước
Ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn) là vị doanh nhân gốc Khánh Hòa, nhắc đến ông, nhiều người nhớ ngay đến biệt danh “vua hàng hiệu”, một nhà hảo tâm, một doanh nhân có tấm lòng vàng luôn hướng về quê hương, dám đi trước đón đầu để đóng góp cho cộng đồng và sự phát triển của đất nước.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất Việt Nam. Ông từng giữ chức Thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors Hoa Kỳ và Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương.
Năm 1985, ông Johnathan thành lập Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG). Đến nay, Tập đoàn IPPG dưới sự dẫn dắt của ông đã hợp tác đầu tư nhiều dự án trên toàn quốc với tổng số vốn lên đến hàng triệu USD với doanh thu gần cả tỷ USD và mang đến khoảng 30.000 việc làm cho lao động Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt hơn 35 năm xây dựng và phát triển Tập đoàn IPPG, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã nhiều lần được các cơ quan Nhà nước ghi nhận về những đóng góp của cá nhân ông cho sự phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh quốc phòng, các hoạt động từ thiện xã hội và các chương trình vì cộng đồng.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, khi các làn sóng dịch Covid-19 ập đến kéo theo những khó khăn, biến động, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi đất nước càng khó khăn, với ông Johnathan Hạnh Nguyễn thì làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm.
"Khi đất nước cần thì chúng ta có. Và lúc này là lúc đất nước đang càng cần lắm sự đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp để đưa nền kinh tế phục hồi, phát triển, nhất là những tấm lòng, những sự sẻ chia, đóng góp dù nhiều hay ít cho Tổ quốc và đồng bào trong lúc khó khăn", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Với chân lý hướng thiện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn và Tập đoàn IPPG đã dành hàng chục tỷ đồng đóng góp cho đất nước phòng chống dịch Covid-19 và giúp đỡ đồng bào miền Trung bị lão lũ, hỗ trợ người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng hạn hán, ngập mặn... cũng vì thế mà chính ông đã sáng lập ra Quỹ Vì cộng đồng IPPG.
Đáng nói, ông Johnathan Hạnh Nguyễn không chỉ là điển hình cho thế hệ doanh nhân mới với tinh thần yêu nước và trách nhiệm xã hội, mà ông còn là một doanh nhân luôn kiên định, bền bỉ và tâm huyết với những kế hoạch, dự án kinh doanh lớn, mang tầm quốc gia, nỗ lực đưa các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam, xây dựng cửa hàng miễn thuế tại các sân bay, cửa khẩu...
Với vị doanh nhân gốc Khánh Hòa, mỗi dự án đều là tâm huyết là hơi thở của ông và khi đã ra ý tưởng thì ông cùng những cộng sự sẽ quyết tâm làm bằng được dù các dự án đều chông gai, nhiều thử thách nhưng ông vẫn kiên trì, sáng tạo tìm cách vượt qua vì tâm niệm mang lại nhiều thành quả lớn, góp sức đưa Việt Nam trở thành quốc gia vững mạnh và đầy tự hào trên trường thế giới.
"Ngay từ những ngày đầu trở về đất nước cho đến nay, tôi đã tâm niệm là một doanh nhân, làm việc gì có lợi cho đất nước thì tập trung làm. Khi đất nước cần thì chúng ta có. Vì vậy, tôi đã tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa cho xã hội và xem đó như là trách nhiệm của một doanh nhân đối với đất nước", ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng chia sẻ.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn IPPG sở hữu nhiều phần thưởng cao quý được các cơ quan Nhà nước trao tặng |
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn sinh năm 1951, đến nay đã ở tuổi 70, cái tuổi mà đáng ra nhiều người đã về hưu để nghỉ ngơi tuổi già, quây quần với con cháu, song sự bền bỉ và ý chí quyết tâm trong kinh doanh của ông vẫn không hề vơi cạn.
Với khát khao cống hiến, vì quê hương đất nước và vì việc làm của hàng vạn lao động, ông Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn không ngừng nghỉ, vẫn đưa ra nhưng ý tưởng dự án với quy mô mà ông quyết tâm thực hiện bằng được, cũng chính vì thế mà vị doanh nhân từng chia sẻ ông rất thích câu nói “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”, câu nói đó thúc đẩy cả đời ông phải làm những điều có lợi cho đất nước, trước đây, bây giờ hay sau này cũng vậy.
Với niềm tự hào, vinh dự và cũng là trách nhiệm của một doanh nhân yêu nước, đó luôn là mục tiêu để ông Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục làm việc không ngừng nghỉ, bắt tay vào thực hiện những dự án lớn, có giá trị kế thừa, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Khát vọng triển khai loạt dự án trọng điểm quốc gia
Với ông Johnathan Hạnh Nguyễn, sau 35 năm hay sau nhiều năm nữa, mọi việc vẫn như mới bắt đầu, bằng nhiệt huyết, bằng cái tâm và bằng trái tim yêu nước... cũng chính vì thế mà “vua hàng hiệu” nhiều năm qua đã ấp ủ nghiên cứu triển khai hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 8/2021, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, thời gian qua, Tập đoàn IPPG đã cùng với các đối tác đầu tư Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia khác tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố và bộ, ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam, theo 5 lĩnh vực.
Cụ thể, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai dự án Đầu tư trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP HCM và Đà Nẵng. Hiện nay, Công ty tư vấn Luật và Tài chính Shearman & Sterling (Anh Quốc) và công ty tư vấn trong nước đã hoàn thiện bản thảo đề án và đã gửi các sở ngành địa phương và Trung ương lấy ý kiến hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Bản thảo đề án này đã được nhà đầu tư Mỹ là Công ty Cantor Fitzgerald đồng thuận.
“Vua hàng hiệu”Johnathan Hạnh Nguyễn nhiều năm qua đã ấp ủ nghiên cứu triển khai hàng loạt dự án trọng điểm quốc gia. |
Về việc đầu tư các khu phi thuế quan, Tập đoàn IPPG đã được tỉnh Kiên Giang lựa chọn là nhà đầu tư cho dự án Phi thuế quan Phú Quốc (thông qua đấu thầu) và công ty đang xúc tiến làm quy hoạch tại Khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Quảng Ninh, Cần Thơ để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật và nghiên cứu các cơ chế hoạt động cần thiết để có thể sớm đưa mô hình kinh doanh này tại Việt Nam.
Về việc đầu tư phát triển các thành phố sân bay, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh, đây là mô hình và xu hướng đã được các nước tiên tiến phát triển trong nhiều năm gần đây, các khu vực này sẽ lấy các sân bay làm trung tâm và phát triển mở rộng các chức năng dịch vụ, thương mại, hậu cần phục vụ hàng không xung quanh sân bay. Hiện Tập đoàn IPPG đã làm việc với chính quyền TP Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Long Thành (Đồng Nai), Cần Thơ, Nội Bài (Hà Nội) đề xuất cụ thể ý tưởng quy hoạch, làm việc với các đối tác và các thủ tục pháp lý cần thiết để đầu tư phát triển các thành phố sân bay tại đây.
Bên cạnh đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đại diện cho Tập đoàn IPPG cũng báo cáo Thủ tướng về việc đầu tư phát triển các khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng. Các dự án này được đầu tư phát triển cùng các trung tâm tài chính, khu phi thuế quan nêu trên để đảm bảo tính đồng bộ và đầy đủ các chức năng trong quá trình khai thác vận hành.
Đặc biệt, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 hoành hành, ngành hàng không điêu đứng thì ông Johnathan Hạnh Nguyễn khiến nhiều người bất ngờ khi đề xuất mở hãng bay chuyên vận tải hàng hoá với thương hiệu IPP Air Cargo, với đầu tư 2.400 tỷ đồng (tương đương 100 triệu USD).
Với nhiều người là bất ngờ, song với cá nhân ông Johnathan Hạnh Nguyễn và các cộng sự thì chả có gì là bất ngờ khi họ đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu và kỹ lưỡng trước khi đệ trình đề xuất của mình lên cơ quan quản lý Nhà nước.
Chia sẻ về quyết định lập hãng bay chuyên biệt chở hàng hóa, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, nhu cầu vận tải càng cao, thì giá cước ngày càng tăng, trong khi 88% thị phần vận tải hàng hoá bằng đường hàng không lại do các hãng bay nước ngoài nắm giữ. Các hãng vận chuyển nước ngoài đang khống chế giá vì gần như họ một mình một chợ, đâu có ai cạnh tranh.
"Nếu tôi không làm, nhu cầu vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn sẽ bị tắc nghẽn, giá cả bất ổn làm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, Việt Nam chưa có hãng bay chuyên biệt chở hàng hoá. Gần đây, các hãng hàng không trong nước cũng tăng chở hàng hóa bằng máy bay chở khách, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế, chữa cháy cho tình trạng dư thừa máy bay hiện nay mà thôi.", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, các doanh nghiệp xuất khẩu đang điêu đứng, nếu không mở hãng bay sớm sẽ không giải phóng được nông, thuỷ, hải sản... khi giá vận chuyển còn trên trời. Thậm chí, doanh nghiệp có thể chấp nhận giá cao nhưng có lúc vẫn phải xếp hàng chờ chuyến vì máy bay không đủ slot. Vì vậy, ông mới nghĩ nếu chỉ ngồi yên bán hàng hiệu để có tiền thôi thì không được, dù bán hàng vẫn rất lãi.
Về việc chuẩn bị cho việc thành lập hãng bay IPP Air Cargo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, Tập đoàn IPPG đã chuẩn bị trong nhiều tháng trời với sự tính toán hết sức kỹ lưỡng và bài bản. Theo ông, việc lập hãng bay mới ngay thời điểm dịch bệnh cũng có nhiều điểm thuận lợi, chẳng hạn việc tuyển dụng nhân sự dễ dàng hơn và việc mua hoặc thuê máy bay với giá rẻ hơn.
"Tôi làm gì cũng tính toán kỹ, có những dự án phải lên ý tưởng, kế hoạch đến 10 năm mới thực hiện chứ không phải đợi nước đến chân mới nhảy. Còn với việc lập hãng bay chở hàng hoá, tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm nên thời cơ chín muồi đã đến thì phải làm ngay. Mình không ra đúng thời điểm là đánh mất cơ hội vàng", vị doanh nhân sinh năm 1951 chia sẻ.
Cũng theo chia sẻ của ông Johnathan Hạnh Nguyễn, dự án nào bao giờ ban đầu cũng sẽ gặp khó khăn, nhưng khi quyết định đầu tư vào dự án hàng không ông và các cộng sự đã bàn bạc rất kỹ, đặc biệt là ông tự tin vì đã trong ngành 36 năm nên biết ưu, khuyết điểm của thị trường.
"Tôi cũng từng giữ vai trò Tổng đại diện của Philippines Airlines tại Đông Dương, quản lý các chuyến bay hành khách, hàng hóa hay làm thanh tra tài chính của Boeing Subcontractors. Vậy nên, tôi hiểu rất rõ chi phí của việc vận hành một máy bay, cũng như các chi liên quan là như thế nào", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
Mặc dù tự tin, song vị doanh nhân cũng thừa nhận ngành vận tải hàng hoá hàng không cũng nguy hiểm, không đơn giản bởi thị trường cạnh tranh giá lẫn nhau. Trước IPP Air Cargo, cũng có một số cái tên nhen nhóm ý định, nhưng rồi cũng phải từ bỏ, khi thị trường lúc bấy giờ chưa sẵn sàng, người mới vào nghề sẽ lỗ lớn và nếu dễ, các hãng hàng không trong nước cũng đã làm.
"Tuy nhiên tôi khẳng định mình chưa làm gì mà chưa làm đến nơi đến chốn và làm với tất cả tâm huyết. Tôi sẽ có cách để đấu với những người khổng lồ. Tôi cũng tin rằng thị trường sẽ ngày càng mở rộng và cạnh tranh lành mạnh hơn", ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ với báo giới.
Cũng theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, khi biết Tập đoàn IPPG lập hãng hàng không, có nhiều hãng bán và cho thuê máy bay đã tiếp cận, đưa mức giá ngày càng xuống thấp. Khác với giai đoạn trước dịch, phi công hiện cũng luôn có sẵn. Công ty cũng đang có hàng trăm đơn xin ứng tuyển nhiều vị trí trong dự án này. Bên cạnh đó, ông cho rằng một hãng bay chở hàng cũng không tốn nhiều chi phí như phục vụ, bán vé, marketing... giống hãng bay chở khách.
"Đội ngũ nhân sự chúng tôi đã có sẵn vì trong lúc này phi công giờ đang ngồi chờ công việc. Nhân sự cấp cao cũng đã chuẩn bị nhiều tháng nay rồi. Nhân sự có, tiền có và chỉ cần bấm nút đồng ý để bắt đầu chiến dịch thôi", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói.
"Đây là đề án tâm huyết đã được chúng tôi nghiên cứu từ cách nay cả thập kỷ, có tầm nhìn 20-25 năm tới với mục tiêu đồng hành cùng chủ trương của Đảng, Chính phủ, phấn đấu đến 2030, Việt Nam là nước phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Cùng đồng hành đầu tư với IPPG là các doanh nghiệp hàng đầu quốc tế trong lĩnh vực tài chính, du lịch, khách sạn, casino, hoạt động kinh doanh phi thuế quan và các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu. Chúng tôi cam kết có thể thực hiện được các kế hoạch đầu tư các dự án nêu trên và hỗ trợ vốn đầu tư công cho các tỉnh thành với dự kiến tổng vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ USD", ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định.