NSƯT Thanh Lam: Để có “Con đường âm nhạc” hôm nay là cả sự khổ luyện, áp lực
Thanh Lam mở màn “Con đường âm nhạc” sau 6 tháng nghỉ do dịch Covid-19 |
Trong chương trình, Diva Thanh Lam đã bùng cháy với hơn chục bài hát, phác họa “con đường âm nhạc” của mình. Khán giả xem truyền hình thực sự thích thú khi được nghe những ca khúc quen thuộc gắn liền với tên tuổi Thanh Lam. Diva đã thực sự bùng nổ, “cháy” hết mình trong các phần trình diễn.
NSƯT Thanh Lam tại chương trình "Con đường âm nhạc" |
Dẫu chương trình ghi hình không khán giả, nhưng Thanh Lam không hề bị giảm “lửa” như nhiều người từng lo lắng trước đó, chị đã khiến hàng triệu khán giả trước màn hình cảm nhận trọn vẹn “ngọn lửa” Thanh Lam luôn bùng cháy mãnh liệt trên sân khấu.
Không chỉ thế, những người yêu mến Thanh Lam còn nhận ra một điều đặc biệt, Thanh Lam hôm nay có sự lắng đọng, dịu dàng của người đàn bà đang yêu, có sự khát khao, bung toả năng lượng của nghệ sĩ đã dồn nén cả năm trời hiếm hoi được lên sân khấu bởi đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, “Con đường âm nhạc” của Thanh Lam tràn đầy cảm xúc đối với khán giả trước màn hình.
Trong suốt chương trình, Thanh Lam thể hiện nhiều nhạc phẩm làm nên tên tuổi của mình như: "Giọt nắng bên thềm" (Thanh Tùng), "Chia tay hoàng hôn" (Thuận Yến), "Cho em một ngày" (Dương Thụ), "Đố tình" (Quốc Trung), "Hồ trên núi", "Không thể và có thể" (Phó Đức Phương), "Người ở người về" (Lê Minh Sơn). Ngoài ra, Thanh Lam kết hợp các khách mời Trọng Tấn, Việt Hoàn, Thăng Long qua hai nhạc phẩm "Gọi anh" (Dương Thụ) và "Này chân đất" (Lưu Hà An).
Thanh Lam thể hiện được bản lĩnh của ngôi sao hàng đầu qua giọng hát nội lực, âm sắc mới lạ và biến hóa theo từng tiết mục. Chị thổi cảm xúc vào từng ca khúc. Khi hát “Cho em một ngày”, chị thể hiện phong cách nhẹ nhàng, tung tẩy. “Đố tình” mang chút âm hưởng ma mị, nét dân gian kết hợp với phong cách âm nhạc quốc tế - đặc trưng của phong cách world music trong album “Mây trắng bay về”.
Thanh Lam vẫn máu lửa khi trở về nét dữ dội quen thuộc qua ca khúc “Hồ trên núi”, “Không thể và có thể”. Đặc biệt, phần kết hợp hoà quyện, ăn ý của chị với NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Trọng Tấn và con rể chị là nghệ sĩ thính phòng Thăng Long được nhiều khán giả thích thú.
Lần đầu tiên trên sân khấu, cùng với cống hiến cho khán giả phần trình diễn các ca khúc, Thanh Lam đã kể chuyện cùng khán giả nhiều câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của mình. Có nhiều chuyện Thanh Lam kể khiến khán giả bất ngờ.
Thanh Lam kể, năm 17 tuổi, chị tham gia một cuộc thi âm nhạc, thay vì chọn những ca khúc quen thuộc, chị chọn bài của nhạc sĩ Quốc Trường và hát theo phong cách mới. Kết quả chị bị loại ngay từ đầu.
"Khi đó mọi người đều hát những ca khúc dễ nghe, trong khi mình phá cách, hát nhạc swing. Thường thì những gì tiên phong khó được khán giả đón nhận. Tuy nhiên, tôi coi sự thất bại là mẹ của thành công". Ngay từ khi còn nhỏ, ca sĩ Thanh Lam đã thể nghiệm nhiều thể loại để tìm ra phong cách riêng của mình.
Cũng năm 17 tuổi, trong một chương trình, Thanh Lam tự chơi guitar và hát bài “Bèo dạt mây trôi” theo phong cách dân gian kết hợp lối ngân rung đặc trưng của nhóm nhạc Bee Gees. Nhiều khán giả chê chị hát yếu, liên tục hét "Vào đi", yêu cầu rời khỏi sân khấu. Tuy nhiên, Thanh Lam mặc kệ, tiếp tục trình diễn hai bài chuẩn bị trước. Kết thúc phần diễn, chị được nhiều khán giả vỗ tay khen ngợi.
NSƯT Thanh Hương - mẹ ca sĩ - cho biết nhiều lần nghe Thanh Lam hát, nhạc sĩ Thuận Yến góp ý nhưng chị cãi lại. Nhiều bài ông sáng tác, chị hát khác đến không nhận ra. Thanh Lam tâm sự có lần, nhạc sĩ Thuận Yến tức giận, xưng mày - tao với con gái.
Ông nói: "Tao không cần mày nữa. Bao nhiêu người xin bài, bố không cho, đưa cho con hát mà sửa hết cả bài của người ta". Thanh Lam vẫn giữ vững lập trường, hát theo ý mình và được khán giả đón nhận. Sau này, nhạc sĩ Thuận Yến dần hiểu và tin tưởng phong cách của con gái.
Thanh Lam là nghệ sĩ tiên phong trong tổ chức liveshow xuyên Việt. Tháng 11 và 12 năm 1997, Thanh Lam tổ chức liveshow “Cho em một ngày” ở 3 thành phố: TP HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với sự hỗ trợ của ban nhạc Phương Đông và 2 ca sĩ trẻ là Bằng Kiều và Trần Thu Hà. Đây được xem là tour diễn cá nhân đầu tiên của nhạc nhẹ Việt Nam.
Liveshow còn được khán giả nhớ đến nhiều vì đã khai trương sân khấu ca nhạc Lan Anh ở TP HCM. Khi đó, chưa có êkíp như hiện nay, chị và nhạc sĩ Quốc Trung phải làm tất cả mọi việc. Kết quả vì lo lắng và bận rộn, chị bị mất giọng ngay trước đêm diễn ở sân khấu Lan Anh.
Nghệ sĩ cũng cho biết để có "Con đường âm nhạc" hôm nay là cả quá trình khổ luyện. Chị gặp áp lực từ sự kỳ vọng của đồng nghiệp: phải luôn bứt phá, vươn lên và áp lực với danh xưng diva mà khán giả dành tặng.
Dự án “Khuê” - màu sắc mới của âm nhạc Việt Nam |
Bài 1: Âm nhạc thi thoảng lại có “rác” |
Âm nhạc lan tỏa sức mạnh trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 |