NSND Trung Hiếu dựng "Làng song sinh" đưa sân khấu sáng đèn trở lại
NSND Quốc Hưng ra MV về người chiến sĩ áo trắng |
“Làng song sinh” do nhà văn Xuân Đức viết kịch bản, NSND Trung Hiếu gấp rút dàn dựng trong bối cảnh vừa hết giãn cách xã hội. Vở diễn xoay quanh chuyện làng Thủy đọng với lời nguyền rằng ai sinh đẻ cũng phải sinh đôi.
Vì muốn xóa bỏ lời nguyền đó, ba người đàn ông của làng đã kết nghĩa anh em rồi cùng lên chùa cầu tự. Khi có con, ba người tuyên bố với làng xóm rằng lời nguyền sinh đôi đã được hóa giải. Gia đình ba người anh em này chỉ sinh con một.
"Làng song sinh" được dàn dựng trong bối cảnh chuẩn bị mở cửa lại sân khấu, đồng thời dự thi Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2021 |
Từ đây, câu chuyện đi theo cuộc sống của Tấn, Tạ và Quả- ba người con của ba người đàn ông kết nghĩa. Họ lớn lên trong chiến tranh, cùng vào chiến trường và chiến đấu trên một mặt trận. Hòa bình, họ trở về làng và từ đó những bí mật kinh thiên động địa được che giấu bao năm dần hé mở.
Bố Quả được cho là phá vỡ lời nguyền, sinh ra anh là con một. Quả bị chú Tấn (Tiến Minh) lừa cưới cô gái trong làng - người đang mang bầu con của ông. Sau khi biết chuyện, anh hận vợ và Tấn rồi tìm mọi cách trả thù. Càng lớn tuổi, bụng Quả càng to lên. Bác sĩ kết luận trong bụng có một bào thai bằng số tuổi của anh. Lúc này, sự thật được phơi bày, bố của Quả nói dối việc phá bỏ lời nguyền sinh đôi. Bào thai thực chất là linh hồn em trai song sinh của Quả.
Nghệ sĩ Thiện Tùng đóng vai chính "Làng song sinh" |
Bi kịch từ những lời nói, hành động giả dối được thể hiện rõ nét trong tác phẩm. Trước mặt mọi người, vợ chồng Quả rất hạnh phúc nhưng thực chất cả hai luôn hành hạ lẫn nhau. Quả chì chiết vợ, khiến em gái song sinh của cô có bầu. Để che giấu sự việc với người ngoài, vợ anh độn bụng, giả vờ mang thai, nhận con của em gái làm con mình.
Đạo diễn xây dựng tình tiết hư cấu về bào thai trong bụng Quả đẩy câu chuyện cao trào. Anh bị quấy nhiễu, ảnh hưởng sức khỏe rồi hối hận vì những gì đã làm. Khoảnh khắc bào thai (Doãn Quốc Đam đóng) quằn quại sau lớp vải trắng... được khán giả vỗ tay tán thưởng.
Nhân vật Quả và bào thai trong bụng |
Nhân vật Tấn cũng có một em trai song sinh tên Tạ. Tuy nhiên, gia đình họ lừa dối dân làng bằng cách đưa Tạ cho người khác nuôi. Khi sự thật phơi bày, Tấn thân bại danh liệt.
NSƯT Lê Chức - một trong số ít khán giả dự buổi diễn thử giữa tháng 10 - ấn tượng cách dàn dựng kịch tính, gây nhiều bất ngờ.
Ông nói: "Đạo diễn thành công trong việc sắp xếp các chi tiết, đưa người xem đi từ sự tươi vui đến trầm buồn và cuối cùng là vỡ òa trước sự thật. Ai có thể nghĩ trong bụng người đàn ông có một bào thai, lời nói dối từ thế hệ này sang thế hệ khác". Ông đánh giá cao diễn xuất của nghệ sĩ Tiến Minh vai Tấn, Thiện Tùng vai Quả.
NSND Trung Hiếu cho biết vở diễn gửi gắm thông điệp về nhân tính của mỗi người. "Trong chúng ta, thiện - ác, tốt - xấu, đê tiện - cao thượng... luôn tồn tại song song, tuy nhiên, mỗi người sẽ có những cách chọn lựa khác nhau. Khán giả sẽ có những suy nghĩ về cuộc sống, cách ứng xử, bài học khác nhau thông qua những nhân vật, câu chuyện", anh nói.
Nhiều hình ảnh ẩn dụ trong vở diễn |
Đạo diễn cũng đan xen tình tiết gây cười nhằm giảm căng thẳng như hành động, phát ngôn ngô nghê của Quả khi còn là thanh niên "ngố tàu", những màn trả treo của Tạ với Tấn...
“Làng song sinh” là vở diễn không dễ xem, nó gợi nhiều vấn đề sâu xa hơn những sự vụ vụn vặt trong đời sống đời thường. Đó chính là những câu hỏi, sự dằn vặt về tốt-xấu, về nhân sinh quan, nhân tính, bản ngã. Những nút thắt, mở trong đều xoay quanh cái thiện và cái ác, cái tốt và cái xấu, sự quang minh, trong sáng và sự hèn nhát, đen tối…
Có lúc sự đối lập ấy tồn tại trong cùng một người, có lúc chúng lại tách biệt ở hai con người giống nhau về diện mạo. Lựa chọn quan điểm sống đúng đắn, thanh thản và có ý nghĩa do mỗi người quyết định, cũng là yếu tố quyết định làm nên nhân phẩm một con người.
Nghệ sĩ Tiến Minh trong tạo hình nhân vật ông Tấn |
Nhiều câu thoại trong vở kịch chứa đựng những bài học, suy nghĩ về cuộc sống rất có giá trị. “Dù tốt hay xấu, dù thiện hay ác, dù đê tiện hèn hạ hay cao thượng thiện lương thì những thằng người cứ phải lộ diện ra giữa trời đất. Có như thế người đời mới dễ phân xử.
Những điều xấu xa, tội lỗi cứ mãi ở trong bóng tối thì đến bao giờ - đến bao giờ chúng ta mới giải được lời nguyền của cái làng Thủy đọng này”, lời nhân vật Quả ở gần cuối vở diễn mang tính khái quát cho chủ đề xuyên suốt của “Làng song sinh”.
NSƯT Quang Thắng tham gia vở diễn "Làng song sinh" do NSND Trung Hiếu dàn dựng |
NSƯT Quang Thắng dù không giữ vai chính, tuy nhiên sự xuất hiện của anh luôn có vai trò quan trọng trong việc kết nối các diễn viên. Anh tung hứng, quăng bắt và nâng đỡ các diễn viên đàn em trong mỗi phút xuất hiện trên sân khấu. Trong "Làng song sinh", Quang Thắng cũng không còn màu sắc hài vốn có.
“Làng song sinh” còn có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc của Nhà hát Kịch Hà Nội như Phùng Tiến Minh, Thiện Tùng, Thùy Dương, diễn viên trẻ như Thùy Anh, Mạnh Hưng, Quốc Đam, Việt Dũng. Những ẩn dụ trong vở diễn còn được sự cộng hưởng từ thiết kế sân khấu của NSƯT Doãn Bằng, họa sĩ Đăng Khoa, âm nhạc Tiến Minh và biên đạo múa Thanh Nam.
Các nghệ sĩ cất cao giọng hát "Bài ca thắng giặc Corona" |
Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam |
Á hậu Trang Viên cùng dàn nghệ sĩ cất cao tiếng hát cổ vũ “Quyết thắng Việt Nam ơi” |