Nông dân Thủ đô nâng cao thu nhập nhờ chuyển đổi cây trồng
Khai thác tiềm năng, lợi thế đồng đất
Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hệ số sử dụng đất. Nhờ đó, ngày càng có nhiều mô hình trang trại, gia trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm.
Tại huyện Đan Phượng, giai đoạn 2017-2020, huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang hoa - cây cảnh, dược liệu, cây ăn quả được 428,9ha, cho thu nhập cao hơn trồng lúa 5-7 lần; không có đất 2 lúa bị bỏ hoang...
Chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Đồng Tháp (huyện Đan Phượng) chia sẻ, nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập 4-7 triệu đồng/người/tháng. Riêng gia đình chị Hoa và nhiều hộ nông dân trồng hoa theo hướng công nghệ cao, thu 500 triệu đồng/ha/năm...
Nhờ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng hoa đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập khá |
Tương tự, tại huyện Ứng Hòa, 5 năm qua, toàn huyện chuyển đổi được 1.017ha đất lúa trũng kém hiệu quả, hình thành các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản... giá trị thu nhập từ các vùng chuyển đổi đều đạt 300-800 triệu đồng/ha, gấp 5-7 lần cấy lúa...
Ngoài ra, còn các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trong điều kiện hiện nay, như: Khu sinh thái nông nghiệp công nghệ cao thung lũng Ngọc Linh (huyện Thạch Thất) phát triển theo hướng áp dụng công nghệ cao của Nhật Bản, Đức vào sản xuất nông nghiệp; Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ Cuối Quý (huyện Đan Phượng), diện tích 5ha với sản lượng 3 tạ rau/ngày, trung bình mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 120 triệu đồng, giá trị bình quân/ha canh tác đạt gần 6,7 tỷ đồng...
Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Hoàng Thị Hòa nhận xét: Nhìn chung, công tác chuyển đổi trên đất trồng lúa tại Hà Nội phát huy hiệu quả, giữ vững an ninh lương thực, hình thành nhiều vùng sản xuất cây trồng có thế mạnh, theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm an toàn; hình thành các chuỗi liên kết - chế biến - tiêu thụ nông sản hiệu quả…
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang trồng cây rau màu, cây ăn quả cho giá trị cao gấp 5-6 lần so với trồng lúa và khai thác tối đa nguồn lực từ đất, mỗi mô hình đạt từ 330 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha.
Chú trọng nâng cao giá trị nông sản
Mặc dù đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, song hiện nay việc chuyển đổi đất lúa ở các địa phương còn mang tính tự phát, một số nơi chưa phù hợp với kế hoạch chung.
Mặt khác, một số cây trồng đưa vào chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa bảo đảm khâu tiêu thụ mang tính bền vững.
Ở một số địa phương, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Hơn nữa, một số nơi chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao; Một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng, để phục vụ cho vùng sản xuất rau màu có diện tích lớn.
Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả đã đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng |
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng, thực tiễn ở Ứng Hòa cho thấy, ruộng đất manh mún, quy hoạch chưa hợp lý, chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng xuống cấp; Việc xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm còn khó khăn; Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên doanh, liên kết trong khâu tiêu thụ...
Để khắc phục tình trạng này thời gian tới các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Đồng thời, lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất...
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích khoảng 20.000ha nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang...
Để hoàn thành mục tiêu này, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, đề xuất cấp thẩm quyền có chính sách, giải pháp xây dựng các mô hình sản xuất tập trung, tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chế biến nông sản.
Bên cạnh đó, thành phố cũng sẽ xây dựng chuỗi giá trị nông sản chủ lực, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhân rộng điển hình sản xuất - kinh doanh giỏi, chú trọng nâng cao giá trị nông sản...