Nợ vay “ngập đầu”, CII có “đếm cua trong lỗ” về khả năng thanh toán nợ?
CII vay nợ 500 tỷ đồng qua trái phiếu có rủi ro không? |
Đua vay nợ trái phiếu mặc cảnh báo rủi ro
Như Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CK: CII) mới đây đã thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. Thời gian đăng ký mua vào và nộp tiền từ ngày 8/12 đến 28/12.
Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm.Trái phiếu có kỳ hạn 42 tháng, lãi trả sau, định kỳ 3 tháng/lần.
Số tiền thu được CII dự kiến chi 265 tỷ đồng để thanh toán gốc vay tại VPBank; 235 tỷ đồng sẽ đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, CII là doanh nghiệp khá có tiếng ở TP HCM khi sở hữu hàng loạt dự án lớn về giao thông, bất động sản và nước sạch. Việc triển khai loạt dự án lớn khiếp áp lực dòng tiền bị đè nặng, vậy nên công ty đã phải liên tục huy động vốn vay và vốn chủ sở hữu để có thể phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh.
Tính tới ngày 30/6/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII tăng thêm 5,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 922,5 tỷ đồng lên 17.500,7 tỷ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản.
Đáng chú ý, CII đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng một năm là 874,6 tỷ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty lại chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050 tỷ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới 17.500 tỷ đồng.
Mặt khác, dòng tiền kinh doanh của CII tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 802,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 903,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 139,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 899,4 tỷ đồng (doanh nghiệp chủ yếu tăng vay nợ dẫn tới dòng tiền tài chính dương).
CII đang gặp áp lực rất lớn về dòng tiền |
Trước đó, trong năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm tới 1.393,9 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh. Năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh đạt 135,2 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư là 1.045 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.
Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.
"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.
Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.032 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 80,2% và giảm 72,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.
Mới đây, ngày 10/9, CII đã có văn bản thông báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của công ty. Trong đó, đối với hoạt động thu phí giao thông, CII đã thực hiện dừng thu phí theo đúng yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc dừng thu phí tuy không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021.
Đối với hoạt động bất động sản, việc thực hiện giãn cách và dừng thi công các công trình xây dựng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản của CII. Do vậy, việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.
Đặc biệt, CII nhấn mạnh: “Các khó khăn khách quan nói trên và việc bắt buộc phải hạch toán các chi phí quản lý, chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại theo chuẩn mực kế toán, đã ảnh hưởng lớn đến việc hạch toán lợi nhuận của CII trong năm 2021”.
Như vậy, với việc hoạt động thu phí BOT bị ảnh hưởng, cũng như hoạt động bất động sản bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào công ty. Trong khi đó, CII vẫn chịu áp lực trả lãi vay và các khoản nợ vay tới hạn trong vòng một năm tới.
CII liệu có “đếm cua trong lỗ”?
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc CII cho biết, trong quý IV/2021 và năm 2022, công ty sẽ phấn đấu thu về 8.226 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ.
Theo vị này, sau giai đoạn triển khai đầu tư mạnh và hoàn tất các dự án để đưa vào khai thác/thu phí, dự kiến quý IV/2021 và năm 2022, CII sẽ có nguồn thu rất lớn từ các dự án bất động sản đã hoàn thành (hoặc sắp sửa hoàn thành) khoảng 1.126 tỷ đồng và nguồn tư từ thu phí giao thông khoảng 700 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận phải xin gia hạn hoàn thành đến cuối tháng 11/2021. (Ảnh: tiengiang.gov.vn) |
Bên cạnh đó, lãnh đạo CII cho biết, công ty còn có nguồn thu từ hợp tác đầu tư phát triển dự án, chuyển nhượng dòng tiền thu hồi tư các dự án BOT đã đi vào thu phí hoàn vốn. Hình thức chuyển nhượng dòng tiền cho phép CII thu hồi một lượng lớn vốn đã đầu tư và các dự án BOT sau khi đi vào thu phí khoảng 1 đến 2 năm.
"Trước đây CII đã từng thực hiện thành công những thương vụ có giá trị lên đến gần 100 triệu USD theo mô hình này. Do vậy, công ty tự tin sẽ có thể tiếp tục làm được những thương vụ có quy mô lớn hơn trong thời gian sắp đến", ông Bình cho biết.
Theo ông Bình, năm 2022, ước tính nguồn thư từ việc chuyển nhượng dòng tiền của CII khoảng 4.400 tỷ đồng. "Như vậy, trong thời gian tới, công ty sẽ có nguồn thu rất lớn để trả lãi, trả gốc các khoản vay nợ tài chính, kết thúc giai đoạn dòng tiền âm do phải đầu tư lớn cho các dự án ở các năm trước đây", ông Bình chia sẻ.
Hiện nay, ngoài các khoản vay theo dự án được đảm bảo trả nợ bằng nguồn thu trực tiếp từ dự án thì tổng dư nợ vay của các tổ chức/cá nhân của CII mẹ tính đến ngày 27/9/2021 là 9.606 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của CII mẹ chỉ ở mức 2.882 tỷ đồng, tương ứng với chỉ số nợ vay là 3,3 lần.
Lý giải nguyên nhân dồn dập vay nợ từ kênh trái phiếu, lãnh đạo CII cho biết, giai đoạn năm 2018-2021 là cao điểm giải ngân vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm của quốc gia (cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận), dự án trọng điểm của các địa phương (mở rộng Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 60...), tổng mức đầu tư lên tới hơn 20.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, giai đoạn này, loại hình đầu tư BOT và bất động sản bị xếp vào loại có rủi ro cao nên các tổ chức ngân hàng rất hạn chế cho vay theo dự án hoặc nếu có cho vay thì tỷ lệ cũng rất thấp.
"Với vốn đầu tư lớn, trong khi việc vay vốn theo dự án có phần hạn chế, CII phải sử dụng các tài sản của mình để huy động vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp dự án thực hiện đầu tư và đưa dự án về đích đúng tiến độ, từ đó dư nợ của CII mẹ tăng lên khá nhiều", ông Bình cho biết.
Mặt khác, khẩu vị của các tổ chức tín dụng thay đổi nhiều từ cho vay trực tiếp sang đầu tư trái phiếu. Do vậy, để huy động vốn, CII cũng đã thực hiện phát hành trái phiếu nhiều hơn là đi vay.
Theo ông Lê Quốc Bình, để sử dụng vốn hiệu quả, CII phải chia nhỏ các đợt phát hành nhằm mục đích huy động vốn đến đâu thì đầu tư đến đó. Do đó, tần suất phát hành trái phiếu của công ty cũng nhiều hơn trước đây.
"Giai đoạn căng thẳng nhất về dòng tiền của CII (2018-2021) đã qua, công ty vẫn giữ đúng cam kết thanh toán lãi, gốc cho tất cả các khoản nợ. Vì vậy, khi các dự án đi vào khai thác kể từ năm 2022 trở đi, CII tin rằng sẽ thực hiện đúng các cam kết với nhà tài trợ", ông Bình cho biết.
Nói là như vậy, song theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào mới kết thúc thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là các đơn vị đầu tư dự án BOT và bất động sản.
"Tập đoàn bất động sản Evergrande là một dẫn chứng, đây là một doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc những tưởng sẽ không bao giờ bị lung lay, song giờ lại đứng trước nguy cơ sụp đổ gây hệ lụy cho bao nhiêu doanh nghiệp và cả hệ thống tín dụng. Hơn nữa, việc kinh doanh luôn có yếu tố rủi ro, việc công ty tự tin có nguồn thu lớn để thanh toán nợ trong bối cảnh nền kinh tế đang bị tổn thương vì dịch Covid-19 và chưa biết bao giờ lành thì như đang đếm cua trong lỗ", một vị chuyên gia kinh tế phân tích.
Mặt khác, việc CII phát hành trái phiếu trong bối cảnh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.