Những thay đổi về ý thức và thói quen sinh hoạt của người dân nhờ nước sạch
Tiết kiệm nước sạch - hành động nhỏ, ý nghĩa lớn Sở Tài chính Hà Nội: Điều chỉnh giá nước sạch là phù hợp với yêu cầu thực tế Hà Nội tăng giá nước sạch sinh hoạt từ ngày 1/7 |
Nhu cầu cấp thiết
Nước ngọt là nguồn tài nguyên tái tạo tuy nhiên, lượng nước ngọt và sạch đang ngày càng ít đi. Thực tế cho thấy, nhu cầu nước đã vượt quá mức cung cấp trong tự nhiên. Nguồn nước sạch vô cùng cần thiết cho đời sống hàng ngày, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và cả trong chế biến công nghiệp
Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng trở nên gay gắt hơn. Trong đó, tình trạng khô hạn đã làm ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống người dân.
Nước sạch rất cần thiết cho sự sống |
Thiếu tiếp cận với nước sạch và vệ sinh vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở nông thôn Việt Nam. Ở vùng ngoại thành Hà Nội, bao đời nay người dân sống với nguồn nước ngầm có sẵn trong tự nhiên. Vì phụ thuộc thiên nhiên nên nước dùng để sinh hoạt, sản xuất lúc đủ lúc thiếu, đục, trong theo mùa là điều không tránh khỏi.
Chị Hồng Vi (ở huyện Mê Linh, Hà Nội) thuộc thế hệ 8X, vẫn nhớ như in hồi bé nhà mình có cái giếng. Mùa đông nước rút sâu xuống và trong vắt. Vào mùa hè, mùa mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, đặc biệt là những lúc nước sắp tràn qua đê thì nước trong giếng đục ngàu, tràn cả ra ngoài miệng, chảy liên tục cả ngày cả đêm ra vườn.
"Những lúc ấy, chúng tôi thích lắm. Trẻ con nào có biết gì, chỉ hào hứng thi nhau dựa lưng vào giếng là có thể tắm được, không cần phải múc nước rửa rau, đãi gạo... Sau này mới biết nước đó mang theo bao phù sa, tốt cho sản xuất thật nhưng với người thì không", chị Hồng Vi kể.
Anh Viết Thành (ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cũng cho biết, những năm anh còn nhỏ, trong nhà mẹ thường dự trữ rất nhiều phèn chua. Nhà gần sông nên giếng nước rất phụ thuộc vào dòng chảy. Mùa hè nước ngập, mùa đông những khi trở trời, mẹ anh phải kì công trữ nước vào các chậu, thùng, vại... xong thả phèn chua vào cho nước thật trong mới dám mang ra để nấu ăn. Dù vậy, thực phẩm nấu bằng nước này luôn có vị chát của phèn chua.
Nguồn nước không đảm bảo vừa khiến người dân bất tiện trong sinh hoạt vừa ảnh hưởng tới sức khỏe (Ảnh minh họa) |
Còn bà Nguyễn Thị Thái (ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) thì không bao giờ quên được những cảnh tối 30 Tết còn phải chờ mọi người đi ngủ hết, bà trở dậy cắm máy bơm vì giếng khoan sâu mấy chục mét mới có chút nước để sáng hôm sau cả nhà dậy còn có nước dùng.
Bởi vậy, khi được lắp đường ống nước sạch về tận nhà, không còn phải lo tích trữ, không còn phải sợ nước bẩn hay ít nhiều theo mùa, người dân các vùng ngoại thành vô cùng hạnh phúc. Cuộc sống đổi thay thấy rõ, những nếp sinh hoạt cũ giờ chỉ còn là kí ức, họ thường nhớ về hoặc kể cho con cháu nghe để nhấn mạnh về tầm quan trọng của nước sạch trong đời sống.
Những thay đổi tích cực
Nước sạch đóng những vai trò to lớn trong đời sống của như sinh hoạt của người dân, với những khu vực nguồn ngước ngầm bị ôm nhiễm hay khan hiếm nước, thì nước sạch lại càng giúp trong việc thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng.
Bên cạnh việc được sử dụng nước sạch một cách thoải mái, người dân cũng bắt đầu nhận thấy nước sạch không phải là vô tận và cần phải thay đổi linh hoạt để phù hợp hơn với đời sống hiện tại. Họ cũng nhận thức được việc bảo vệ nguồn nước sạch không chỉ là tiết kiệm mà còn phải biết sử dụng hợp lý để tránh dẫn đến nguồn nước ngầm bị ô nhiễm hay cạn kiệt.
Chị Nguyễn Thị Mai Sương (ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết: "Ngày trước có một số khu vực nguồn nước ngọt ngầm bị ô nhiễm, dẫn tới lượng nước ngọt để người dân như chúng tôi sinh hoạt không đủ, hoặc phải sinh hoạt bằng nguồn nước ô nhiễm ấy qua nhiều bước lọc, thấy rất bất tiện.
Thay đổi thói quen để bảo vệ nguồn nước được tốt hơn (Ảnh minh họa) |
Chính điều này đã giúp tôi và gia đình có ý thức hơn trong việc sử dụng nước hàng ngày. Tôi vẫn dặn các con là phải biết tiết kiệm nước, tắm giặt hay nấu nước cũng vậy, nếu nước có thể tái sử dụng thì vẫn nên dùng lại để tránh lãng phí.
Nhà tôi cũng thường xuyên hứng nước mưa để sử dụng, nước mưa sau khi lọc để rửa xe, rửa tay chân hằng ngày, hay rửa các thực phẩm đều được.
Ngày hàng loa đài xóm làng cũng thường xuyên tuyên truyền trong các công tác tiết kiệm điện nước, tránh lãng phí, nên tôi nghĩ bà con cũng ngày một thay đổi ý thức trong việc này”.
Còn anh Vương Đình Tuấn (ở huyện Hoài Đức, Hà Nội) thì chia sẻ: “Từ vài năm trở lại đây, nhiều nguồn tài nguyên đang dần bị cạn kiệt trong đó nước ngọt, có thời điểm nguồn nước trong thôn bị ô nhiễm, khiến nhà nhà trong tình trạng phải nước bẩn để sinh hoạt. Nhà nào lọc được thì tốt nhưng có những hộ gia đình khó khăn thì công tác vệ sinh cũng gặp rất nhiều vấn đề khác nhau.
Như nhà tôi, tôi phải dùng nước cực kỳ tiết kiệm, tránh hoang phí không đáng có, mỗi tháng, nhà tôi hết khoảng 60 ngàn đồng tiền nước, trong đó có sinh hoạt của 4 người, nấu nước, giặt rũ, trồng cây.
Các khu vực nhà hàng xóm cũng vậy, họ cũng rất ủng hộ những công tác thúc đẩy việc tiết kiệm nguồn nước sạch. So với những năm trước, tôi thấy người dân có tiến bộ trong nhận thức hơn nhiều, dần rèn luyện thì sẽ tạo thành thói quen, từ đó duy trì hằng ngày trong đời sống dù là sinh hoạt hay chăn nuôi, trồng trọt”.