Những người chưa tiêm chủng làm tăng nguy cơ mắc COVID-19
Người chưa tiêm vắc xin làm gia tăng nguy cơ mắc COVID-19 ở những người đã tiêm phòng (Ảnh: The Star) |
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada (CMAJ) đã chỉ ra nguy cơ nhiễm COVID-19 của những người chưa được tiêm chủng giảm xuống khi họ ở bên những người đã được tiêm chủng, vì chúng đóng vai trò như một bộ đệm cho sự lây truyền. Ngược lại, những người chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19 làm gia tăng nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng.
Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Y tế cộng đồng Dalla Lana, thuộc Đại học Toronto, Canada đã tạo ra một mô hình bệnh hô hấp do virus, trong đó mọi người được xếp vào các loại có nguy cơ nhiễm, đã nhiễm và có khả năng lây cho người khác, hoặc đã phục hồi sau nhiễm và có miễn dịch.
Các nhóm này cũng được chia thành hai nhóm nhỏ, trong đó 80% là người đã tiêm và 20% là người chưa tiêm phòng. Sau đó, các nhà nghiên cứu lập các kịch bản giả định để đánh giá các con số khác nhau dựa trên những người có xu hướng tương tác với người giống mình. Họ cũng đánh giá các giá trị để nghiên cứu kết quả gây bệnh của các biến thể Delta và Omicron.
Theo đó, khi có sự trộn lẫn giữa những người đã tiêm và chưa tiêm, người chưa tiêm được bảo vệ bởi những người đã tiêm nhưng ngược lại, người đã tiêm đối diện nguy cơ. Khi các nhóm tách biệt nhau hơn, quy mô dịch cuối cùng giảm ở nhóm đã tiêm phòng, nhưng lại tăng trong nhóm chưa tiêm vì mất đi vùng đệm là người đã tiêm.
Phát hiện đáng chú ý là dù nguy cơ đối với nhóm đã tiêm giảm, nhưng nguy cơ mà nhóm chưa tiêm gây ra với nhóm đã tiêm vẫn tăng. Khi các nhóm được tách biệt đáng kể, mức độ miễn dịch thấp hơn của nhóm chưa tiêm làm gia tăng số ca mà một người nhiễm có thể lây cho người khác.
Đối với những biến thể có khả năng lây lan nhanh như Omicron, vắc xin vẫn giúp giảm đáng kể nguy cơ tử vong và nhập viện (Ảnh: AP) |
Tác giả chính của nghiên cứu, ông David Fisman cho biết thông điệp của nghiên cứu là việc lựa chọn chủng ngừa không thể chỉ đơn thuần mang tính cá nhân.
“Một người có thể thích lái ô tô của mình 200 km một giờ và nghĩ đó là điều thú vị, nhưng chúng tôi không cho phép bạn làm điều đó trên đường cao tốc một phần vì bạn có thể tự tử và bị thương, nhưng cũng vì bạn đang tạo rủi ro cho những người xung quanh bạn”, Fisman ví von.
Do đó, những phát hiện này đã phản bác lập luận phổ biến rằng quyết định tiêm chủng là do cá nhân vì những người không được tiêm chủng có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của những người được tiêm chủng.
Ông cũng cho biết sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 dễ lây lan hơn, chẳng hạn như Omicron, đã ảnh hưởng đến cả hiệu quả của vắc xin và niềm tin của công chúng vào việc tiêm chủng. Tuy nhiên theo Fisman, nghiên cứu thực sự nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc-xin theo một khía cạnh nào đó vì vắc xin giúp cắt giảm đáng kể nguy cơ tử vong và nhập viện.
Giáo sư Vardit Ravitsky thuộc Đại học Montreal và Đại học Y Harvard, cho biết nghiên cứu trên đã củng cố cơ sở của nhiều biện pháp y tế cộng đồng đang áp dụng, như hộ chiếu vắc xin được áp dụng tùy theo tình hình dịch tễ.
Theo thống kê, tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới trên 509 triệu ca. Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 462 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 40 triệu ca và trên 42.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh đặc hữu. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế đi ngang. Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn nóng nhất nằm ở Châu Á - Châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt. |