Những chức năng, nhiệm vụ giao thoa khó phân định đã được phối hợp nhịp nhàng
Mặt trận các cấp triển khai quyết liệt các nhiệm vụ ở cả bề rộng lẫn chiều sâu |
Bộ máy hoạt động tinh gọn, giảm nhiều khâu trung gian
Tham luận tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết: Hà Nội có số lượng đầu mối tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lớn nhất cả 73 nước: 54 cơ quan hành chính, 2.787 đơn vị sự nghiệp, 584 xã, phường, thị trấn, 7.968 thôn, tổ dân phố, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp là 153.875 biên chế.
Với đặc thù là Thủ đô và là đô thị xếp hạng đặc biệt, thực trạng số lượng phòng ban, đơn vị của Hà Nội cao hơn so với quy định chung tại 63 tỉnh thành; phần lớn các đơn vị có quy mô và biên chế lớn nên số lượng cấp phó nhiều hơn quy định tại các Thông tư.
Bên cạnh đó, thành phố có tốc độ đô thị hóa cao, gia tăng áp lực về giao thông, nhà ở, học hành, chữa bệnh, nước sạch sinh hoạt, vệ sinh môi trường… các cơ quan hành chính, sự nghiệp gặp khó khăn trong cân đối biên chế.
Những năm qua, thành phố có nhiều lần sắp xếp tổ chức bộ máy, chia tách, sáp nhập, thành lập mới các đơn vị hành chính, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, do vậy, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 18-NQ/TW và 19-NQ/TW, đòi hỏi Hà Nội phải nỗ lực nhiều hơn các tỉnh thành khác, có các giải pháp đồng bộ hơn nữa, cùng với sự đồng thuận quyết tâm của cả hệ thống chính trị thành phố.
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà trình bày tham luận tại Đại hội |
“Nhận thức sâu sắc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một đòi hỏi khách quan, là chủ trương đúng của Đảng và hết sức cần thiết với thực tiễn Thủ đô, Thành ủy đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW bài bản, quyết liệt, thận trọng”, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.
Cụ thể, Thành ủy đã tổ chức Hội nghị quán triệt các Nghị quyết đến toàn thể cán bộ chủ chốt thành phố, Hội nghị triển khai, hướng dẫn công tác rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy đến các đồng chí bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan đơn vị; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành nghiêm túc tổ chức triển khai, nghiên cứu, quán triệt các nội dung của Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương và Thành ủy.
Để đảm bảo công tác lãnh đạo, Thành ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế thành phố. Ban Chỉ đạo đã khẩn trương phân công 74 nhiệm vụ các thành viên; thành lập Tổ công tác giúp việc; xây dựng chương trình công tác giai đoạn 2016 - 2020 (phấn đấu hoàn thành trước 1 năm theo lộ trình chung), kế hoạch công tác hằng năm của Ban Chỉ đạo đảm bảo hiệu quả, khoa học…
Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đã xây dựng và ban hành nhiều kế hoạch triển khai. Cơ quan tham mưu giúp việc là Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai nghiệp vụ chi tiết, cụ thể.
Cùng với việc quán triệt, tuyên truyền và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Thành ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát, làm việc chuyên đề với các cơ quan, đơn vị. Đến nay, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố đã đạt được một số kết quả nổi bật.
Đến nay, thành phố đã giảm 1 cơ quan hành chính cấp Sở (Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố), 2 chi cục, 3 phòng chuyên môn cấp huyện; giảm 65 phòng thuộc Sở (29%) từ 224 phòng xuống còn 159 phòng. Giảm 290 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 10,4%) từ 2.787 đơn vị xuống còn 2.497 đơn vị.
TP cũng giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã, từ 584 xuống còn 579; giảm 2.708 thôn tổ dân phố (giảm 34%), từ 7.968 xuống còn 5.260 thôn, tổ, dân phố; Giảm 65 trưởng phòng, 116 phó trưởng phòng cơ quan hành chính, 290 thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập; Giảm 18.403 biên chế công chức, viên chức; giải quyết nghỉ tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP cho 1.172 đối tượng…
“Nhiều cách làm hay của Hà Nội đã được Trung ương ghi nhận và cụ thể hóa để nhân rộng”, Giám đốc Sở Nội vụ nêu, đồng thời cho biết thêm: Thành phố hoàn thành vượt chỉ tiêu về giảm số phòng thuộc Sở (29%), giảm số đơn vị sự nghiệp công lập (10,4%), giảm thôn, tổ dân phố (34%). Hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% biên chế công chức. Tiết kiệm ngân sách chi lương đối với 18.403 biên chế, chi phụ cấp chức vụ đối với 471 lãnh đạo quản lý. Bộ máy hoạt động tinh gọn, giảm nhiều khâu trung gian, giải quyết kịp thời nhu cầu người dân và doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, sau khi rà soát sắp xếp tổ chức bộ máy đã khắc phục sự chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Những chức năng, nhiệm vụ giao thoa, khó phân định giữa các cơ quan hành chính được UBND TP ban hành Quy chế phối hợp thực hiện…
Tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập
Có được thành công trên, theo Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà, Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị TP Hà Nội đã nhận thức đúng đắn, đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức viên chức; Làm tốt công tác tuyên truyền từ TP đến cơ sở, qua đó tạo sự đồng thuận về nhận thức sự cần thiết phải kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế để phát triển kinh tế xã hội, giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước…
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết được TP triển khai sớm, thường xuyên, quyết liệt. Quy trình thực hiện sắp xếp công khai, dân chủ, minh bạch; thống nhất nguyên tắc thực hiện, các bước thực hiện theo lộ trình phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; Lựa chọn đơn vị khó sắp xếp nhất thực hiện trước để triển khai nhân rộng. Quá trình sắp xếp, lãnh đạo TP và cơ quan, đơn vị có đối thoại gặp gỡ với từng cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm về chính sách cán bộ, số cán bộ lãnh đạo dôi dư do sắp xếp được bảo lưu phụ cấp chức vụ và được kết hợp luân chuyển, điều động, bổ nhiệm ở những vị trí thích hợp nên đã tạo được sự đồng thuận, cơ quan sớm ổn định hoạt động.
TP cũng chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau sắp xếp, đảm bảo triển khai đúng tinh thần của Ban Chỉ đạo thành phố; từng khâu, từng bước thực hiện chặt chẽ, rõ ràng theo Đề án.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thời gian tới Sở Nội vụ đề xuất cần tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc tổ chức, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Triển khai có hiệu quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý, điều hành của Thủ đô, thực sự hướng tới người dân và doanh nghiệp;
Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; Tập trung các giải pháp đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đây là nội dung quyết định đến khả năng có tiếp tục giảm biên chế sự nghiệp được 10% giai đoạn 2021-2025; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đơn giản đến mức tối đa các thủ tục hành chính liên quan, chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc; nâng cao dịch vụ công mức độ 3 và 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn; Thường xuyên rà soát, điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn quản lý, để đề án vị trí việc làm thực sự phát huy tối đa hiệu quả…