Nhựa phân hủy sinh học - giải pháp tối ưu xử lý ô nhiễm môi trường
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu khai mạc hội thảo |
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam khi đề xuất phối hợp tổ chức hội thảo vô cùng hữu ích này. Hội thảo với mục đích trao đổi, thảo luận những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, công nghệ, nguyên liệu để sản xuất nhựa phân hủy sinh học nói riêng và các hoạt động tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa nói chung...
“Mỗi năm, lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang là một trong những quốc gia đang phải gánh chịu nhiều hệ quả từ chất thải nhựa nhất trên thế giới, đặc biệt là chất thải nhựa đại dương.
Trước tác hại của rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng trong cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm nhựa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hoạt động tái chế chất thải nhựa, trong đó, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh mới, nhất là những mô hình sản xuất vật dụng thân thiện với môi trường, từ sản phẩm tái chế tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, an toàn, với những chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế đất đai, đầu tư công nghệ tái chế, sử dụng nguyên liệu nội địa.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg năm 2020 về “Tăng cường, quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa”, theo đó đã đưa nhiều chỉ tiêu và biện pháp cụ thể nhằm giảm thiểu chất thải nhựa, thực hiện tuần hoàn tài nguyên.
Mới đây nhất, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đã quy định nhiều chính sách mới để tăng cường quản lý chất thải nhựa, chất thải nhựa đại dương và quy định trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu trong việc thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì theo tỷ lệ và quy cách bắt buộc”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết.
Quang cảnh hội thảo |
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh đã giới thiệu tới hội thảo về khái niệm nhựa sinh học, phân loại nhóm nhựa sinh học; các tác động của nhựa sinh học tới môi trường; một số tiêu chuẩn chất lượng về nhựa phân hủy sinh học của các nước trên Thế giới; những tác động tới môi trường và khả năng tái chế nhựa sinh học...
Theo PGS.TS Lê Hùng Anh, thực tế nhựa sinh học đóng góp rất lớn cho sự nghiệp bảo vệ môi trường như: Giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên… PGS.TS Lê Hùng Anh cũng kiến nghị Việt Nam nên có nhãn nhựa sinh học theo quy chuẩn của Việt Nam để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư và tham gia vào sản xuất bao bì nhựa sinh học.
PGS.TS Lê Hùng Anh - Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo |
Về phía các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hà - Giám đốc Công ty Sản xuất bao bì Thành Phương nêu những khó khăn, vất vả khi sản xuất và đưa túi nilong thân thiện môi trường vào thị trường. Từ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 07, đây là cú huých cho các doanh nghiệp sản xuất có thêm sức mạnh để sản xuất túi nilong thân thiện môi trường. Ngoài khó khăn về cơ chế chính sách, công ty còn bị sự cạnh tranh của các sản phẩm kém chất lượng, vì vậy người tiêu dùng nghi ngờ...
Bà Lê Nguyễn Bích Trang - đại diện Sài Gòn Co.op cho biết, doanh nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn vì giá thành sản phẩm bao bì thân thiện môi trường đắt hơn bao bì thông thường. Hằng năm, doanh nghiệp sử dụng hơn 1.000 tấn bao bì phục vụ người tiêu dùng, nếu không có sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, sự cảm thông, thấu hiểu của người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.
Chủ tịch Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc phát biểu kết thúc hội thảo |
Kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam Nguyễn Linh Ngọc đã có những đề nghị: Điều chỉnh Thông tư 07/2012/TT-BTNMT ngày 4/7/2012 sao cho phù hợp với thực tiễn; Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét giấy chứng nhận nhựa thân thiện với môi trường, xây dựng các phòng thí nghiệm trong nước để test sản phẩm để giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân hiểu được tác dụng to lớn của nhựa sinh học vì một môi trường xanh, sạch, đẹp...