Nhìn lại kinh tế Quảng Nam năm 2020 sau tác động của dịch bệnh và thiên tai
Cảng Chu Lai ngày càng được mở rộng để đạt mục tiêu trở thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên (Ảnh: Trường Hải) |
Nhiều ngành kinh tế sụt giảm
Kinh tế của Quảng Nam trong năm 2020 gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng giảm: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 ước đạt 65.783 tỷ đồng, dự kiến bằng 93% so với chỉ tiêu của Nghị quyết HĐND tỉnh đưa ra, sụt giảm 7% so với năm 2019.
Các ngành sản xuất công nghiệp và xây dựng cùng thương mại - dịch vụ bị đứt gãy, mức tiêu thụ giảm. Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 2,8 tỷ USD, giảm 4,2% so với năm 2019; Nông, lâm và thuỷ sản duy trì ổn định với mức tăng trưởng 3,5% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế (theo giá hiện hành) hơn 94.032 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm 14,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,2% (trong đó công nghiệp chiếm 26,8%); khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 34,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 18%.
Thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam |
Tính đến ngày 31/12/2020 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 23.682 tỷ đồng, đạt 91,9% so với dự toán, tăng 2% so với năm 2019. Trong đó, thu nội địa 18.250 tỷ đồng, đạt 88,9% so với dự toán; thu xuất nhập khẩu đạt 5.347 tỷ đồng, đạt 101,9% so với dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 19.420 tỷ đồng, đạt 66,3% dự toán.
Đặc biệt, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2020 là 28.250 tỷ đồng, giảm 12,8% so với năm 2019 và chiếm 30,4% GRDP; Trong đó vốn đầu tư công năm 2020 hơn 6.460 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư công năm 2020 hơn 6.460 tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 72,1% (nếu trừ số vốn cắt giảm chi đầu tư do ảnh hưởng dịch Covid, số giải ngân đạt hơn 82,7%) so với kế hoạch vốn, cao hơn so với năm 2019 (55,3%).
Ngoài ra, các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo bước đầu đạt được những kết quả tích cực; đã xây dựng Đề án trình HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Bồn nhiên liệu 3.000 lít được Thaco xuất khẩu sang Công ty JMK (Ảnh: Trường Hải) |
Cũng theo Cục Thống kê, trong năm 2020, Quảng Nam ghi nhận có tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 1.287 doanh nghiệp bằng 87,7% so với năm 2019. Cấp mới 7 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 33 triệu USD; Nâng tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 196 dự án với tổng vốn đăng ký 5,93 tỷ USD.
UBND tỉnh Quảng Nam còn thúc đẩy triển khai hiệu quả các thỏa thuận hợp tác với đối tác nước ngoài; Đề xuất nâng cấp cặp cửa khẩu chính Nam Giang - Đắc Tà lên cửa khẩu quốc tế; Tổ chức các Hội nghị quan hệ đối tác giữa tỉnh Quảng Nam với các tổ chức Phi chính phủ nước ngoài. Thực hiện quản lý nhà nước về quản lý đoàn ra, đoàn vào theo đúng quy định.
Thách thức và giải pháp
Bên cạnh những thành tựu và kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam năm 2020 còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và thiên tai.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kế hoạch đề ra, một số lĩnh vực có tốc độ tăng chậm lại. Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Thu ngân sách thiếu ổn định, một số nguồn thu đạt thấp so với dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Công tác thu hồi đất, giao đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các công trình, dự án.
Lực lượng chức năng tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở kinh hoàng tại xà Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam (Ảnh X.Thọ) |
Tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh, kinh tế - xã hội còn khó khăn về nhiều lĩnh vực như: Giáo dục - Đào tạo, y tế chuyển biến chưa mạnh; Chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp; Tỷ lệ hộ nghèo còn cao; Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, ô nhiễm môi trường...
Trong đó, việc quản lý, khai thác và sử dụng đất đai, tài nguyên, lâm, khoáng sản còn xảy ra sai phạm và chưa được xử lý triệt để; Tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp; khiếu nại, khiếu kiện tập trung đông người, nhất là trên lĩnh vực đất đai vẫn còn xảy ra.
Đặc biệt, việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và tỉnh ở một số nơi chưa quyết liệt; triển khai áp dụng vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức còn chậm chạp, việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở còn nhiều bất cập.
Việc kiện toàn, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp và bộ máy bên trong của các sở, ngành, địa phương còn chậm so với yêu cầu… So với 17 chỉ tiêu theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra năm 2020 có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; có 5/17 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn.
Cảng Chu Lai, Núi Thành (Ảnh: Trường Hải) |
Năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khắc phục hậu quả thiên tai; Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Đẩy mạnh nhiệm vụ đột phá chiến lược trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển đô thị
Cùng với đó, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Cải thiện môi trường đầu tư và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển mạnh kinh tế biển và vùng đồng bằng ven biển, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi; Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đổi mới giáo dục và đào tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ; Thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh; Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại.