Nhiều doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản
Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn
Tại kỳ điều hành mới nhất vào ngày 21/6, giá xăng trong nước đã tăng lần thứ 7 liên tiếp và lập đỉnh mới. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 190 đồng/lít, lên mức 31.300 đồng/lít; Giá xăng RON 95 tăng 500 đồng/lít, lên mức 32.870 đồng/lít.
Giá xăng, dầu tăng liên tiếp khiến người dân vô cùng lo lắng. Ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam cho biết: Trước đây mỗi ngày đơn vị vận chuyển trên 100 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và giá xăng, dầu leo thang, nên nay mỗi ngày hãng chỉ vận chuyển khoảng 40 - 50 tấn hàng, tức giảm khoảng 50% khối lượng.
“Doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đang hết sức khó khăn. Nhiên liệu tăng làm tăng chi phí, kéo giảm doanh thu và lợi nhuận. Với mức giá xăng, dầu như hiện nay, kinh doanh may lắm chỉ cầm hòa, nếu tiếp tục tăng thì chắc chắn thua lỗ, nguy cơ phá sản cận kề”, ông Nguyễn Văn Quýnh nói.
Nhiều đơn vị băn khoăn, lo lắng, nếu giá xăng tiếp tục tăng cao sẽ khiến nhiều doanh nghiệp vận tải đứng trước nguy cơ phá sản. (Ảnh minh họa) |
Không chỉ các doanh nghiệp vận tải hàng hóa bị ảnh hưởng mà các đơn vị vận tải hành khách cũng khó khăn khi xăng dầu liên tục tăng giá. Anh Vũ Tấn Tài, tài xế xe khách tuyến Hà Nội - Sơn La cho biết: Xăng dầu tăng giá khiến cho vận tải hành khách gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nhà xe thậm chí đã quyết định “chạy xe ngẫu hứng” chứ không xếp lốt hàng ngày như trước. Tức là hôm nào có khách đặt, đủ để chạy xe không bị lỗ thì nhà xe này mới chạy, nếu không thì để xe “đắp chiếu”.
Lý do là bởi chi phí cho một chiếc xe giường nằm chạy tuyến mỗi ngày hết khoảng 6 - 7 triệu đồng. Xăng, dầu tăng giá, khách lại vắng, nên có chạy thì cũng chỉ thu về được 2 - 2,5 triệu đồng, lỗ 4 - 5 triệu đồng thì thà không chạy còn sống, chứ chạy thì chỉ có “chết”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết: Xăng, dầu chiếm khoảng 40 - 50% chi phí vận tải, trong thời gian qua giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí của doanh nghiệp đội lên rất nhiều, thu không đủ bù chi. Xăng, dầu liên tục tăng cao thời gian qua khiến các doanh nghiệp vận tải điêu đứng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản nếu không sớm có giải pháp hạ nhiệt.
Xem xét tiếp tục giảm phí, lệ phí cho hoạt động vận tải
Có thể thấy rằng, việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến năng lực của doanh nghiệp vận tải Việt Nam. Đối với doanh nghiệp vận chuyển, không thể ngay lập tức tăng giá đối với khách hàng được do chủ yếu ký hợp đồng lâu dài, cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp với nhau. Giá xăng, dầu ăn vào lợi nhuận, thậm chí vốn sản xuất, kinh doanh.
Tại cuộc họp chiều 27/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp rà soát các phương án giảm chi phí nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong giai đoạn giá nguyên liệu tăng cao.
Theo Bộ trưởng, biến động của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến hoạt động vận tải bởi xăng dầu chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu giá thành. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, giá vé các phương tiện công cộng trong xu hướng tăng cũng ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của người dân.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ yêu cầu rà soát lại các loại phí, lệ phí, các khoản thu để chia sẻ rủi ro, gánh nặng cho doanh nghiệp, người dân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành giao thông vận tải đã thực hiệt tốt chủ trương điều chỉnh giảm giá, phí, lệ phí như: Giảm phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, phí cất hạ cánh… đã có tác dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Việc tăng giá xăng, dầu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đến năng lực của doanh nghiệp vận tải Việt Nam |
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận: "Trong mấy tháng gần đây, giá xăng dầu tăng cao, những hỗ trợ vừa qua là chưa đủ. Do vậy, việc rà soát, xem xét kéo dài một số cơ chế, chính sách miễn giảm hoặc nâng tỉ lệ miễn giảm phí và lệ phí, chỉ đạo các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ rủi ro là cần thiết".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cục, tổng cục thuộc Bộ khẩn trương thực hiện rà soát để báo cáo các phương án miễn, giảm một số loại phí, lệ phí, các khoản thu có liên quan đến lĩnh vực Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
"Một số khoản phí, lệ phí tuy đã thực hiện giảm nhưng trong bối cảnh hiện nay cần thiết giảm thêm cũng cần được kiến nghị Chính phủ xem xét. Các đơn vị khẩn trương rà soát lại các loại phí, lệ phí để có phương án giảm tiếp. Bởi những khoản chi phí này nếu giảm được dù nhỏ cũng có tác dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Các loại phí không thuộc lĩnh vực Bộ quản lý các đơn vị cũng rà soát để kiến nghị giảm cho doanh nghiệp", Bộ trưởng yêu cầu.
Không chỉ đường bộ, vận tải biển cũng đang "lao đao" vì giá cước. Ông Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng kinh doanh Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông cho biết, giá nhiên liệu hiện nay đã tăng khoảng 160% so với đầu năm. Nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn nhất và là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành vận tải biển. Nhiên liệu tăng kéo theo các chi phí vận tải, chi phí logistics, giá cả hàng hóa… đều tăng, gây lạm phát.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu phụ thuộc vào thị trường nên khó để điều tiết. Chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh nhiều yếu tố để tránh bị lỗ.
Do đó, nếu các cơ quan chức năng có thể xem xét, điều chỉnh giảm phí và lệ phí sẽ là phương án hợp lý để trợ giá cho các doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ cả nền kinh tế. Ông Nguyễn Minh Tiến cho rằng, những điều chỉnh giảm phí, lệ phí dù rất nhỏ nhưng cũng đỡ một phần cho doanh nghiệp, để hạn chế phải tăng các chi phí khác.