Nhạy bén ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới giáo dục
Nhiều điểm hấp dẫn tại Ngày hội giáo dục Châu Âu Xóa tư tưởng đối phó giúp giáo viên tập trung chuyên môn |
Khi giáo viên không ngừng đổi mới
“Tự tin, sáng tạo và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ” là những cảm nhận đầu tiên về cô Bùi Bích Phượng - giáo viên khối 5 trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, Hà Nội).
Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong giảng dạy, cô Phượng nhận thấy học sinh tiểu học có trí nhớ trực quan - hình tượng phát triển chiếm ưu thế hơn. Với nền tảng kiến thức sẵn có, cô tiếp thu rất nhanh những phương pháp dạy học hiện đại. Cô Phượng luôn soạn bài lồng ghép khéo léo các nội dung kiến thức với những hình ảnh, đoạn phim, trò chơi sinh động, hấp dẫn...
Nhờ vận dụng phương pháp, hình thức học tập mới lạ, hiệu quả mà mỗi tiết học của cô Bích Phượng cùng học trò luôn trôi qua nhẹ nhàng, thoải mái. Học sinh vô cùng hào hứng, thích thú, từ đó được khắc sâu kiến thức một cách có hệ thống.
Ảnh minh họa |
Cô Phượng chia sẻ: “Việc thuyết trình, hùng biện, sử dụng công nghệ thông tin trong học tập cũng là những kỹ năng vô cùng cần thiết đối với học sinh thời đại 4.0. Vì thế, trong các tiết hướng dẫn học, tôi đã tổ chức chuyên đề dạy học sinh cách thuyết trình, tranh luận trước tập thể; Cách sử dụng phần mềm Powerpoint khi trình chiếu”.
Ngoài những bài dạy trên lớp, cô Phượng rất chú ý đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tư duy logic qua sơ đồ tư duy mind map. Những bài học Lịch sử, Địa lý, Toán học… khô khan, phức tạp đã trở nên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc nhờ sơ đồ tư duy do học sinh tự soạn trong quá trình chuẩn bị bài.
Cũng như cô giáo Bùi Bích Phượng, với bề dày kinh nghiệm dạy học sinh tiểu học, cô Đào Thị Hồng Duyên - giáo viên trường Tiểu học Nam Tiến A (huyện Phú Xuyên) là tấm gương điển hình về sự không ngừng đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy.
Với sự say mê học hỏi, cô Duyên tự tìm hiểu về các phần mềm xây dựng bài giảng điện tử, bài giảng E-learning để tự xây dựng giáo án riêng cho mình. Bên cạnh đó, cô cũng tìm hiểu cách sử dụng bảng thông minh Interactive Whiteboard để giúp học sinh vận dụng mọi giác quan trong giờ học. Từ đó thúc đẩy học sinh niềm đam mê học tập môn Tiếng Anh, thổi một luồng sinh khí mới cho các giờ học, nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Trải qua nhiều năm học hỏi, sáng tạo, cô Duyên đã xây dựng được kho bài giảng điện tử cho cả ba khối 3, 4, 5 theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Thấy được sự hiệu quả của việc sử dụng bài giảng điện tử và các phương tiện hiện đại trong giờ học tiếng Anh, cô quyết định chia sẻ kinh nghiệm của mình qua sáng kiến kinh nghiệm ứng dụng phần mềm soạn giảng và sử dụng hiệu quả bảng tương tác thông minh Interactive Whiteboard trong dạy học tiếng Anh tiểu học. Sáng kiến của cô được lan tỏa rộng rãi tới bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài huyện Phú Xuyên.
Xu thế tất yếu của giáo dục
Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học đã và đang dần được khẳng định và trở thành xu thế tất yếu của giáo dục. Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý.
Theo đó, năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã thí điểm áp dụng sách điện tử các môn Âm nhạc, Thủ công, Tin học, tiếng Anh với các trường tiểu học, THCS, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quá trình học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên. Đồng thời, Sở thí điểm triển khai trường học điện tử cho 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS tại 3 phòng GD&ĐT (quận Long Biên 16 trường, quận Thanh Xuân 4 trường và quận Bắc Từ Liêm 14 trường).
Cũng trong năm học này, Sở GD&ĐT Hà Nội tiếp tục triển khai "Trường học kết nối" trong tổ chức và quản lý hoạt động chuyên môn qua mạng tới tất cả các trường THCS, THPT. Các trường đã tiến hành tập huấn và cấp tài khoản cho các giáo viên và học sinh. Đến hiện tại, việc khai thác, sử dụng “Trường học kết nối” ở các trường đã dần đi vào nền nếp và có tác dụng tốt. Sở GD&ĐT Hà Nội chỉ đạo các trường thường xuyên đưa bài lên trang web, xây dựng nguồn học liệu mở, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong trường học hiện nay.
Đặc biệt, do diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, có thời gian học sinh phải tạm nghỉ học tập trung tại trường để phòng chống dịch bệnh. Nhằm hỗ trợ việc học tập, củng cố kiến thức cho học sinh, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ghi hình và phát sóng chương trình "Học trên truyền hình" các môn học năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 bảo đảm chất lượng cao nhất; Đồng thời chia sẻ nội dung cho 12 tỉnh, thành phố trên cả nước. Không chỉ vậy, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo tới 100% các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố thông tin và hướng dẫn học sinh tham khảo chương trình dạy học trên VTV7 - Kênh truyền hình chuyên về Giáo dục của VTV.
Không chỉ học trên truyền hình, việc triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, học tập qua internet giúp việc ôn luyện kiến thức của học sinh trở nên tự giác. Trong tháng 5 - 6/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức 2 đợt khảo sát chất lượng cho 74.000 học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tuyến thông qua hệ thống Hanoi Study. Kết quả, trên 99,5% học sinh tham gia làm bài và nộp bài thành công. Cũng trong tháng 6/2020, Sở tiếp tục triển khai khảo sát tiếng Anh cho 104.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn toàn thành phố.
Năm học 2020 - 2021, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Hà Nội là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Theo đó, ngành Giáo dục Hà Nội sẽ thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo theo hướng phát triển năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi, phát triển; Đẩy mạnh học trực tuyến, phát triển kho học liệu số của ngành; Đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số; Khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số; Tập trung mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, theo chuẩn quốc tế đáp ứng tiến trình hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.