Nguy và cơ của kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ tạo đà cho triển vọng tuyển dụng tăng trong nửa cuối năm 2022 Phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số |
Nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi
Ngân hàng Thế Giới (WB) đánh giá, mặc dù môi trường kinh tế toàn cầu có nhiều thách thức, nhưng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn thuận lợi theo dự báo cơ sở.
Do tác động xuất phát điểm thấp, GDP dự kiến tăng trưởng khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023, khi tốc độ tăng trưởng quay về như trước đại dịch ở mức 6,5 - 7%. Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng nền kinh tế chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ năm 2022.
Với các biện pháp hạn chế đi lại được gỡ bỏ và du khách quốc tế dần quay trở lại, khu vực dịch vụ đang phục hồi mạnh mẽ. Tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế tạo, chế biến dự báo sẽ chậm lại trong ngắn hạn khi nhu cầu trên toàn cầu yếu đi.
Tuy nhiên, tiêu dùng trong nước mạnh hơn dự kiến sẽ bù đắp cho nhu cầu bên ngoài chững lại, tương tự như xu hướng tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019.
Theo WB, lạm phát bình quân dự kiến rơi vào khoảng 3,8% trong năm 2022, khi nhu cầu trong nước tiếp tục được củng cố, chi phí giao thông và đầu vào trung gian nhập khẩu chuyển tải vào giá thành sản phẩm cuối cùng. Dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho năm 2022 giả định rằng lạm phát tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022.
Mặc dù tăng trưởng cao, nhưng nền kinh tế chưa quay về mức tiềm năng đầy đủ năm 2022 |
Mặc dù cú sốc giá nhiên liệu dự kiến sẽ tiêu tan vào năm 2023 nhưng hiệu ứng lan tỏa vòng hai tiếp tục diễn ra và tốc độ tăng trưởng GDP 6,7% theo dự báo cho năm sẽ khiến cho CPI tăng đến 4% trước khi giảm về 3,3% trong năm 2024.
WB đánh giá, sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2022 tiếp tục được hưởng lợi nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng và ở mức độ thấp hơn nhờ vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023.
Theo dự báo cơ sở, chính sách tiền tệ nới lỏng tiếp tục được thực hiện. Về chính sách tài khóa, hợp phần đầu tư của chương trình hỗ trợ lên đến khoảng 1,6% GDP - dự kiến sẽ được triển khai chủ yếu từ năm 2023 trở đi, nhưng vẫn có nhiều rủi ro trong triển khai xét đến trình trạng chi đầu tư liên tục không đạt kế hoạch trong thời gian qua.
Vẫn phải đối mặt với những rủi ro lớn
Mặc dù vậy, WB cũng cho rằng, viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn phải đối mặt với những rủi ro lớn, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Nhìn từ bên ngoài, các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện và lây lan, cùng với sự gián đoạn của hoạt động kinh tế kèm theo, là vẫn rủi ro chính, mặc dù quá trình bình thường hóa vẫn đang diễn ra và hầu hết các quốc gia đều đang gỡ bỏ những hạn chế liên quan đến dịch bệnh.
Trong khi đó, áp lực lạm phát dai dẳng và triển vọng thắt chặt tiền tệ mạnh tay hơn, nhất là tại Mỹ và các nền kinh tế phát triển, có thể dẫn đến biến động trên các thị trường tài chính toàn cầu, làm suy giảm tăng trưởng kinh tế hơn nữa vào thời điểm các hoạt động kinh tế vốn đang chững lại.
Mặt khác, tình trạng giãn cách y tế ở Trung Quốc có thể ản hưởng thêm đến tăng trưởng của họ, gây ảnh hưởng đến các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), trong đó có Việt Nam là một thành viên tích cực.
Ngoài ra, căng thẳng và xung đột địa chính trị gia tăng càng làm tăng bất định trước mắt và có thể dẫn đến chuyển đổi cơ cấu dài hạn trong nền kinh tế toà cầu, khi các nền kinh tế lớn đánh giá lại chi phí và lợi ích của quá trình hội nhập toàn cầu, dẫn đến rủi ro với viễn cảnh ngắn và trung hạn cho nền kinh tế toàn cầu.
"Nhìn từ trong nước, những rủi ro liên quan đến COVID-19 có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ. Thiếu hụt lao động có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi đầy đủ", WB đánh giá.
Trong bối cảnh đó, theo WB, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là phải cân bằng giữa nhu cầu tiếp tục chính sách hỗ trợ để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính đang phát sinh. Bất định gia tăng đồng nghĩa với việc chính sách phải tiếp tục thích ứng với nhịp độ phục hồi cả ở Việt Nam và trên thế giới, đồng thời phải thận trọng với lạm phát và những rủi ro về tài chính.
Trong điều kiện quá trình phục hồi trong nước chưa hoàn tất và nhu cầu trên toàn cầu được dự báo sẽ yếu đi, chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ là cách để phòng ngừa rủi ro cho tăng trưởng kinh tế.
Theo WB, cho dù Việt Nam có dư địa tài khóa để thực hiện nhưng thách thức nằm ở những yếu kém trong triển khai. Cách xử lý những ách tắc về thể chế đến nay vẫn khiến cho chương trình đầu tư công liên tục không đạt kế hoạch để làm cho chính sách tài khóa trở nên hiệu quả hơn.
Trong ngắn hạn, trọng tâm là phải thực hiện đầy đủ gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế qua đẩy mạnh triển khai các dự án. Chương trình phục hồi dự kiến đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng cơ sở vật chất và công nghệ số, để giúp đẩy mạnh quá trình phục hồi cầu trong nước trong ngắn hạn, đồng thời nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu là hướng đi không chỉ giúp các hộ nghèo và dễ tổn thương chống đỡ lại tác động của các cú sốc giá nhiên liệu và lạm phát gia tăng mà còn hạn chế được tác động đến tiêu dùng tư nhân hiệu quả hơn so với phương án cắt giảm thuế bảo vệ môi trường và dự kiến cắt giảm thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu theo cách không có mục tiêu như hiện nay.