Nguy cơ hàng hóa “té nước theo mưa”
Khách mua xăng tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội. (Ảnh: Minh Việt)
Bài liên quan
Giá xăng tiếp tục tăng 1.100 đồng
Chi hơn 1.600 tỷ đồng bình ổn giá xăng dầu năm 2018
Mỗi ngày Petrolimex lãi hơn 7 tỷ đồng từ kinh doanh xăng dầu
Có thể từ con cá… đến lá rau đều tăng
Lúc 15h ngày 17/4, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 tăng 1.115 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.202 đồng/lít, dầu diesel tăng 297 đồng/lít, dầu hỏa tăng 291 đồng/lít và dầu mazut tăng 407 đồng/kg.
Đợt tăng giá xăng, dầu lần này đã tác động lên các doanh nghiệp vận tải và sản xuất. Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết, hiện giá nguyên liệu chiếm khoảng 35% giá cước vận tải hàng hóa. Tuy nhiên, không phải mỗi kỳ giá xăng, dầu tăng, giá cước vận tải tăng theo ngay mà phải theo hợp đồng đã ký kết. Nhiều hợp đồng đã ký cả năm nên có hợp đồng điều chỉnh được nhưng có hợp đồng phải giữ giá cố định. Trường hợp giá xăng dầu tăng đột biến, các doanh nghiệp vận tải phải đàm phán lại với chủ hàng để điều chỉnh giá cước. Tuy nhiên, việc này không hề dễ vì chủ hàng cũng phù thuộc vào các hợp đồng đã ký, điều chỉnh giá cước sẽ ảnh hưởng đến các bên khác.
“Thời điểm này hàng hóa ít, cạnh tranh trong lĩnh vực vận tải lớn, doanh nghiệp điều chỉnh cước có thể sẽ mất khách. Trong khi đó, các đơn vị vận tải đang phải đóng rất nhiều loại thuế, phí, nặng nhất là phí BOT và phí bảo trì đường bộ hằng năm thu trên đầu xe. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song các doanh nghiệp vận tải đang nhìn nhau để xem xét điều chỉnh tăng giá vì sợ mất khách hàng”, chị Nguyễn Thị Tuyết chủ xe đường dài Móng Cái - Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh giá vận chuyển hàng hóa, giá cước của các hãng taxi thực tế đã giữ từ năm 2016 đến nay, nếu điều chỉnh sẽ mất lợi thế cạnh tranh với taxi công nghệ đang phát triển rầm rộ. Vì vậy, muốn tồn tại doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí để giữ giá cước trước sức ép giá nguyên liệu tăng.
Thực tế, không chỉ doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn, doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng đang đối mặt với bài toán khó để căn bằng chí phí, bảo đảm sức cạnh tranh. Bên cạnh các doanh nghiệp, người dân cũng đang nín thở khi giá điện và giá xăng cùng tăng sẽ tạo cộng hưởng khiến giá hàng hóa tăng theo.
Ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, doanh nghiệp chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đồng thời tạo ra hiệu ứng tăng giá các mặt hàng khiến người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với việc giá cả leo thang.
“Xu hướng giá xăng dầu chưa có dấu hiệu giảm nên khó tránh khỏi việc giá cả hàng hóa sẽ tăng trong thời gian tới. Đợt tăng giá xăng dầu và điện lần này chắc chắn sẽ tác động lên giá lương thực, thực phẩm”, ông Long nhận định.
Tuy nhiên, theo ông Long giá các mặt hàng công nghiệp lại khác. “Vừa qua, các số liệu thống kê về sản xuất công nghiệp đều tăng. Tôi không hiểu họ điều tra thế nào, khi người dân đâu có tiền để mua. Giờ giá điện và xăng dầu tăng, doanh nghiệp tăng giá bán lấy ai mua, tồn kho tăng, doanh nghiệp lại lao đao”, ông Long dự báo.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ lo ngại trước việc tăng giá xăng dầu, điện lần này sẽ khiến giá các loại mặt hàng từ thép, xi măng, cước vận tải, đến mớ rau, con cá, bát phở… tăng theo và lập mặt bằng giá mới trong thời gian tới.
Chặn “leo thang” giá mặt hàng thiết yếu
Việc giá điện tăng 8,36%, giá xăng tăng 1.115 - 1.202 đồng/lít chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hai chỉ số CPI và GDP, trong khi GDP giảm thì CPI sẽ tăng.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, giá cả thị trường Việt Nam tiếp tục gắn kết ngày càng chặt chẽ với biến động của giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới. Bước sang tháng 3, nhiều yếu tố bất ngờ được "lường trước" đã, đang tác động lên lạm phát. Bộ Công Thương tính toán, điều chỉnh giá điện trong tháng 3, CPI tăng khoảng 0,26% - 0,31%. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số này trên thực tế có thể trội hơn nhiều lần vì cơ quan quản lý chưa đánh giá tác động của mặt hàng xăng dầu tăng giá. Nguyên nhân là phần lớn đầu vào sản xuất hiện nay là đều từ điện và xăng dầu. Vì vậy, theo đề xuất của các chuyên gia kinh tế, xu hướng tăng giá xăng, điện là tất yếu nhưng Nhà nước phải có những chính sách chống "tát nước theo mưa".
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, trước áp lực tăng giá nguyên liệu đầu vào, để các mặt hàng thiết yếu không "leo thang" cần phải tạo nguồn cung hàng hóa dồi dào, không để mất cân đối trong từng thời kỳ trong năm và làm tốt lưu thông phân phối.
Đặc biệt, trong dịp lễ 30/4-1/5 sắp tới, người dân được nghỉ dài ngày, nhu cầu đi lại, các dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tăng nên giá các nhóm hàng này có thể tăng.
Tiên sĩ Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, để có được con số định lượng chính xác về mức tăng chỉ số lạm phát là điều rất khó khăn, bởi khi một mặt hàng như giá điện, xăng dầu tăng thì sẽ kéo theo các chi phí khác tăng theo.
Những tháng đầu năm 2019, nhiều yếu tố tác động đến CPI như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch khung, giá điện tăng vào cuối tháng 3, giá xăng dầu thế giới từ tháng 12/2018 cũng bắt đầu tăng với mức tăng khá cao và là mặt hàng rất khó đoán định được sự lên xuống giá. Do đó, ông Đặng Đức Anh cho rằng, việc điều hành giá cần thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, tránh việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu nhằm bình ổn giá, nhất là thời điểm các dịp lễ, Tết. Đối với việc thực hiện lộ trình thị trường một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp giúp kiểm soát mặt bằng chung, hạn chế tác động của chi phí đẩy ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.
Số liệu thống kê cho thấy, CPI bình quân hai tháng đầu năm 2019 tăng 2,6% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. CPI tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng 1/2019 và tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018. Có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tháng 2 tăng so với tháng 1. Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 1,73%. Trong đó, lương thực tăng 0,53%, thực phẩm tăng 2,13%, góp phần làm CPI chung tăng 0,48%.